ĐẶT LỊCH HẸN KHÁM

Xử Lý Khi Trẻ Bị Sốt

Xử Lý Khi Trẻ Bị Sốt

16/01/2018 2:43:48 CH

Nhiệt độ bình thường của cơ thể (thân nhiệt) thay đổi từ người này sang người khác và thay đổi trong ngày (thường cao nhất vào buổi chiều). Thân nhiệt thường cao hơn ở trẻ em lứa tuổi tiền học đường, và cao nhất vào khoảng 18-24 tháng tuổi. Mặc dù thân nhiệt thường dao động, hầu hết các bác sĩ xác định sốt khi thân nhiệt lớn hơn hay bằng 38°C khi đo ở trực tràng.

Mặc dù cha mẹ thường lo lắng về mức độ sốt của con mình, tuy nhiên sốt cao không có nghĩa là bệnh nặng. Một số bệnh nhẹ cũng có thể gây sốt cao, trong khi một số bệnh nghiêm trọng chỉ gây ra sốt nhẹ. Các triệu chứng khác (chẳng hạn như khó thở, lừ đừ, và không uống được) lại phản ánh mức độ nghiêm trọng của bệnh tốt hơn nhiều so với triệu chứng sốt. Tuy nhiên, sốt trên 41°C, mặc dù khá hiếm, lại là 1 dấu hiệu nguy hiểm.

Sốt có thể hữu ích trong việc giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Một số chuyên gia cho rằng việc hạ sốt có thể làm bệnh kéo dài hơn hoặc có thể ảnh hưởng đến đáp ứng của hệ miễn dịch đối với nhiễm trùng. Như vậy, mặc dù sốt có thể gây khó chịu, không nhất thiết phải điều trị sốt, đặc biệt ở trẻ em bình thường khỏe mạnh. Tuy nhiên, ở trẻ em có bệnh phổi, bệnh tim, hoặc rối loạn ở não, sốt có thể là vấn đề vì nó làm tăng nhu cầu cơ thể (chẳng hạn, làm tăng nhịp tim). Vì vậy, làm giảm sốt ở những trẻ này là rất quan trọng.

Trẻ nhũ nhi bị sốt thường dễ cáu kỉnh và có thể không ngủ hoặc ăn uống tốt. Trẻ lớn hơn bị sốt thường ít chơi hơn. Thông thường, sốt càng cao thì trẻ càng hay cáu gắt, khó chịu hơn, và bỏ chơi. Tuy nhiên, đôi khi một số trẻ bị sốt cao nhưng vẫn trông khỏe mạnh. Trẻ em có thể bị co giật khi thân nhiệt tăng lên hoặc giảm nhanh (gọi là sốt co giật). Một số ít trường hợp, sốt cao có thể làm cho trẻ trở nên lừ đừ, ngủ gà, và không đáp ứng kích thích.

Gần như mọi đứa trẻ đều bị sốt ít nhất 1 lần trong đời. Thách thức đối với cha mẹ là phải biết khi nào cơn sốt của con là quan trọng. Bài viết này sẽ thảo luận về định nghĩa sốt, làm thế nào để đo chính xác nhiệt độ của trẻ, khi nào cần điều trị sốt và điều trị như thế nào, và các dấu hiệu và triệu chứng cần đi khám bác sĩ.

ĐỊNH NGHĨA SỐT

Do thân nhiệt bình thường rất dao động, không có giá trị duy nhất để định nghĩa sốt. Tuy nhiên, các giá trị thân nhiệt sau thường được chấp nhận là sốt:

● Nhiệt độ trực tràng trên 38ºC

● Nhiệt miệng trên 37.8ºC

● Nhiệt độ nách trên 37.2ºC

● Nhiệt độ tai (màng nhĩ) trên 38ºC

● Nhiệt độ trán (động mạch thái dương) trên 38ºC

Nhiệt độ nách, tai, và trán dễ đo hơn nhiệt độ ở hậu môn hay ở miệng, nhưng kém chính xác và có thể cần phải đo lại nhiệt độ ở hậu môn hay miệng xác định tình trạng sốt.

NGUYÊN NHÂN SỐT

Sốt xảy ra để đáp ứng với nhiễm trùng, tổn thương hoặc viêm nhiễm và có nhiều nguyên nhân.

Sốt cấp tính (sốt dưới 7 ngày) ở trẻ nhũ nhi và trẻ em thường gây ra bởi nhiễm trùng. Các nguyên nhân gây sốt thường gặp nhất là

- Nhiễm siêu vi đường hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh, cúm hoặc viêm tiểu phế quản

- Viêm dạ dày ruột (nhiễm trùng đường tiêu hóa) do siêu vi

- Một số nhiễm trùng do vi khuẩn, đặc biệt là nhiễm trùng tai (viêm tai giữa), viêm xoang, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ cao mắc bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ. Nhiễm trùng này có thể mắc phải trước khi sinh hoặc trong khi sinh và bao gồm nhiễm trùng huyết, viêm phổi và viêm màng não.

Có rất ít chứng cứ khoa học cho rằng mọc răng có thể gây sốt. Khi trẻ sốt, luôn luôn tìm nguyên nhân gây sốt khác gây sốt ngoài mọc răng. Mọc răng thường không gây sốt trên 38,5oC.

Ủ ấm quá mức trẻ nhỏ dưới 3 tháng có thể làm tăng nhẹ thân nhiệt, tuy nhiên nhiệt độ trực tràng ít khi vượt quá 38,5oC.

Nguyên nhân ít phổ biến của sốt cấp tính bao gồm tác dụng phụ của vắc-xin và một số loại thuốc nhất định, nhiễm trùng da (viêm mô tế bào) hoặc khớp (viêm khớp nhiễm trùng), và viêm não-màng não do virus hoặc vi khuẩn. Sốc nhiệt cũng có thể gây sốt rất cao. Thông thường, sốt do vắc-xin kéo dài vài giờ đến một ngày sau khi chủng ngừa. Tuy nhiên, một số vắc-xin có thể gây sốt 1 hoặc 2 tuần sau khi chủng ngừa (như với tiêm phòng sởi).

Sốt kéo dài trên 7 ngày có thể gây ra do bệnh truyền nhiễm và không truyền nhiễm. Nguyên nhân truyền nhiễm bao gồm bệnh viêm gan, viêm xoang, viêm phổi, áp xe trong ổ bụng, nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, nhiễm trùng xương (viêm tủy xương), nhiễm trùng tim (viêm nội tâm mạc), và bệnh lao. Nguyên nhân không do nhiễm trùng bao gồm bệnh Kawasaki, bệnh viêm ruột mãn, viêm khớp tự phát thiếu niên hoặc bệnh mô liên kết khác, và ung thư (như bệnh bạch cầu và lymphoma). Thỉnh thoảng, trẻ em giả sốt, hoặc người nhà giả một cơn sốt ở đứa trẻ họ chăm sóc. Đôi khi nguyên nhân sốt không thể xác định.

LÀM TH NÀO Đ ĐO THÂN NHIT CA TRẺ?

Thân nhiệt của trẻ có thể được đo ở trực tràng, tai, miệng, trán, hoặc nách. Cách tốt nhất để đo thân nhiệt trẻ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong mọi trường hợp, nhiệt độ trực tràng là chính xác nhất. Tuy nhiên, khi sử dụng đúng kỹ thuật, vẫn có thể đo chính xác nhiệt độ trong miệng ở trẻ lớn hơn 4-5 tuổi.

Nhiệt độ đo ở nách tuy kém chính xác nhưng có thể là biện pháp hữu ích đầu tiên để lấy nhiệt độ ở trẻ nhỏ hơn 3 tháng tuổi hoặc trẻ lớn không thể ngậm nhiệt kế dưới lưỡi của mình. Nếu nhiệt độ nách trên 37.2ºC, nên đo thêm nhiệt độ trực tràng. Nhiệt độ đo ở tai hoặc trên trán cũng kém chính xác hơn nhiệt độ đo ở hậu môn hoặc ở miệng.

Sờ da trẻ để xác định sốt cũng không chính xác, nó phụ thuộc rất nhiều vào thân nhiệt của người đang sờ.

Có thể đo thân nhiệt bằng nhiệt kế thủy tinh hoặc nhiệt kế điện tử. Nhiệt kế điện tử rẻ tiền, rất phổ biến, và là cách chính xác nhất để đo nhiệt độ. Có nhiều loại nhiệt kế điện tử khác nhau. Nhiệt kế thủy tinh có chứa thủy ngân không còn được khuyến khích bởi vì nó có thể bị vỡ và phơi nhiễm thủy ngân với người dùng. Nhiệt kế thủy tinh cần phải được lắc trước khi sử dụng để đảm bảo rằng chỉ số nhiệt độ phải thấp hơn nhiệt độ cơ thể bình thường (khoảng 37°C). Sau đó, nhiệt kế phải được để tại vị trí đo trong 2-3 phút. Nhiệt kế điện tử sử dụng dễ dàng hơn và cho kết quả nhanh hơn nhiều.

Đo nhiệt độ trực tràng

● Cho trẻ nằm sấp trên đùi của người lớn.

● Cho một ít dầu bôi trơn (Vaseline) vào đầu của nhiệt kế.

● Nhẹ nhàng nhét nhiệt kế vào hậu môn của trẻ cho đến khi đầu bạc của nhiệt kế không còn nhìn thấy được (khoảng 1-1,5 cm bên trong hậu môn).

● Giữ yên nhiệt kế tại chỗ, trong 2-3 phút đối với nhiệt kế thủy tinh và trong chưa đầy 1 phút đối với nhiệt kế điện tử.

Đo nhiệt độ miệng

Không được đo nhiệt độ miệng nếu trẻ vừa ăn hay uống thức ăn, đồ uống nóng hoặc lạnh trong 30 phút trước đó.

● Làm sạch nhiệt kế bằng nước lạnh và xà phòng. Rửa sạch với nước.

● Đặt đầu nhiệt kế dưới lưỡi của trẻ hướng về phía sau. Yêu cầu trẻ giữ nhiệt kế bằng môi của mình.

● Giữ môi kín xung quanh nhiệt kế. Giữ yên nhiệt kế tại chỗ, trong 3 phút đối với nhiệt kế thủy tinh và trong chưa đầy 1 phút đối với nhiệt kế điện tử.

Đo nhiệt độ nách

● Đặt đầu nhiệt kế vào nách đã lau khô của trẻ.

● Giữ nhiệt kế tại chỗ bằng cách ép khuỷu tay của trẻ vào thành ngực trong 4-5 phút.

Đo nhiệt độ tai

Nhiệt độ tai không chính xác như nhiệt độ trực tràng hoặc miệng. Nhiệt kế đo tai kém chính xác ở trẻ dưới 3 tháng tuổi. Nếu trẻ vừa ở ngoài trời lạnh vào, chờ 15 phút trước khi đo nhiệt độ tai. Viêm ống tai và viêm tai không ảnh hưởng đến tính chính xác của nhiệt độ tai.

● Để đo nhiệt độ chính xác trong tai, phụ huynh phải kéo vành tai của trẻ về phía sau trước khi nhét nhiệt kế vào, và ấn nhẹ để đầu dò bít kín lỗ tai, rối nhấn nút đo.

● Giữ đầu dò trong tai của trẻ trong khoảng hai giây.

Đo nhiệt độ trán

Nhiệt độ ở trán (động mạch thái dương) được đo bằng nhiệt kế điện tử để đo bức xạ hồng ngoại từ động mạch ở trán (động mạch thái dương). Khi đo nhiệt độ trán, di chuyển nhẹ nhàng đầu của nhiệt kế dọc đường chân tóc đồng thời nhấn nút quét. Trị số nhiệt độ sẽ xuất hiện trên màn hình. Đo nhiệt độ trán không chính xác như nhiệt độ trực tràng, đặc biệt là ở trẻ dưới 3 tháng tuổi.

CÓ NÊN ĐIỀU TRỊ SỐT CHO TRẺ?

Có những ưu và nhược điểm của việc điều trị sốt. Sốt có thể có vai trò quan trọng trong việc chống nhiễm trùng, nhưng nó cũng làm cho trẻ khó chịu.

Sốt cao không phải luôn luôn là chỉ định tốt nhất để điều trị. Thay vào đó, lưu ý cách trẻ đáp ứng với sốt và những dấu hiệu khác là quan trọng hơn. Sốt thường kèm theo các triệu chứng khác. Một số triệu chứng cần phải được đánh giá bởi bác sĩ, thậm chí ngay cả khi không có sốt (bảng 1).

Bảng 1: Khi nào cần đưa trẻ đi khám

Dấu hiệu cần đi khám Phòng khám/ Bệnh viện ngay

Không đáp ứng, khó đánh thức, ủ rũ

Khó thở

Xanh tím môi, lưỡi, đầu móng

Trẻ nhũ nhi có thóp phồng hay thóp lõm xuống

Cổ cứng

Nhức đầu dữ dội

Đau bụng dữ dội

Nổi ban hay chấm xuất huyết trên da

Bỏ uống hoặc uống kém

Khóc liên tục không dỗ nín được

Rất cáu gắt hay kích thích

Dấu hiệu cần đi tư vấn bác sĩ

Tiêu chảy kéo dài 2-3 ngày hoặc càng nặng hơn

Nôn ói tiếp diễn trên 1 ngày

Mất nước (bao gồm tiểu ít hơn bình thường, khóc không có nước mắt, kém hoạt động và hoạt bát hơn bình thường)

Có triệu chứng đặc biệt, như đau họng, đau tai

Tiểu gắt hay tiểu đau

Trong hầu hết các trường hợp, một đứa trẻ bị sốt có thể được theo dõi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ cần biết khi nào trẻ bị sốt cần đưa đi khám bác sĩ, khi nào sốt nên được điều trị, và khi nào chỉ cần theo dõi mà chưa cần điều trị sốt.

Các hướng dẫn dưới đây chỉ cung cấp những kiến thức phổ quát, và không thể áp dụng cho mọi tình huống; phụ huynh có vấn đề quan tâm về con mình nên tư vấn thêm bác sĩ.

Khuyến cáo đánh giá: Nên cho trẻ đi khám bác sĩ trong các trường hợp sau đây:

● Trẻ nhỏ hơn 3 tháng tuổi có nhiệt độ hậu môn 38ºC hoặc cao hơn. Những bệnh nhân này không nên dùng thuốc hạ sốt (như acetaminophen) cho đến khi được bác sĩ tư vấn.

● Trẻ từ 3 – 36 tháng tuổi có nhiệt độ hậu môn từ 38ºC trở lên hoặc sốt hơn ba ngày hoặc trông không khỏe (như quấy khóc, bỏ uống).

● Trẻ từ 3 - 36 tháng tuổi có nhiệt độ hậu môn 38.9ºC hoặc lớn hơn.

● Trẻ em ở bất cứ tuổi nào có nhiệt độ miệng, trực tràng, màng nhĩ, hoặc trán từ 40ºC trở lên hoặc có nhiệt độ nách 39.4ºC hoặc lớn hơn.

● Trẻ em ở bất cứ tuổi nào có sốt co giật. Sốt co giật là co giật xảy ra khi trẻ (từ 6 tháng đến 6 tuổi) có nhiệt độ lớn hơn 38ºC.

● Trẻ em ở mọi lứa tuổi, bị sốt tái đi tái lại hơn 7 ngày, ngay cả khi cơn sốt chỉ kéo dài một vài giờ.

● Trẻ em ở bất cứ tuổi người bị sốt và có bệnh mãn tính như bệnh tim, phổi, ung thư, lupus, hoặc thiếu máu hồng cầu hình liềm.

● Trẻ em bị sốt và phát ban da mới.

Khuyến cáo điều trị: Điều trị sốt được khuyến cáo nếu trẻ có một bệnh lý nền, bao gồm các bệnh về tim, phổi, não, hệ thần kinh. Ở trẻ có tiền căn sốt co giật, điều trị sốt đã được chứng minh không thể ngăn chặn cơn co giật, nhưng vẫn là một biện pháp phòng ngừa hợp lý.

Điều trị sốt có thể hữu ích nếu trẻ khó chịu, mặc dù không cần thiết.

Không cần điều trị: Trong hầu hết các trường hợp, không cần thiết điều trị sốt ở trẻ. Trẻ lớn hơn 3 tháng tuổi có nhiệt độ hậu môn dưới 38.9ºC hoặc trẻ vẫn khỏe mạnh và hoạt động bình thường, không cần điều trị sốt.

Cha mẹ nếu không biết chắc sốt của con mình cần phải điều trị hay không nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn.

CÁC BIỆN PHÁP ĐIỀU TRỊ SỐT

Thuốc - Cách hiệu quả nhất để điều trị sốt là dùng thuốc như acetaminophen (tên thương mại là Tylenol, Efferalgan, Hapacol) hay ibuprofen (tên thương mại: Nurofen, Brufen, Ibrafen). Những thuốc này có thể giúp trẻ giảm bớt khó chịu và làm giảm thân nhiệt xuống 1 - 1.5ºC. Aspirin không được khuyến cáo cho trẻ dưới 18 tuổi do những lo ngại rằng nó có thể gây ra một bệnh lý hiếm gặp nhưng nghiêm trọng được gọi là hội chứng Reye.

Acetaminophen có thể được dùng mỗi 4-6 giờ khi cần thiết, nhưng không nên dùng nhiều hơn 5 lần trong ngày. Acetaminophen không nên dùng ở trẻ dưới 3 tháng tuổi mà không tham khảo ý kiến bác sĩ. Liều acetaminophen được tính dựa trên trọng lượng của trẻ (không dựa theo tuổi).

Ibuprofen có thể được dùng mỗi 6 giờ. Ibuprofen không nên dùng ở trẻ dưới 6 tháng tuổi. Liều ibuprofen được tính dựa trên trọng lượng của trẻ (không dựa theo tuổi).

Dùng phối hợp hoặc xen kẽ acetaminophen và ibuprofen làm tăng nguy cơ sai liều do nhầm lẫn giữa 2 thuốc. Thuốc dùng không đủ liều sẽ không hạ sốt hiệu quả.

Thuốc hạ sốt chỉ nên cho khi cần thiết, và ngưng khi các triệu chứng khó chịu đã được giải quyết.

Uống thêm dịch - Sốt làm trẻ tăng nguy cơ bị mất nước qua da và hơi thở. Để giảm nguy cơ này, các bậc cha mẹ nên khuyến khích con mình uống đủ dịch. Dung dịch có điện giải sẽ tốt hơn. Không nên uống trà hay thức uống có chứa caffeine, vì chúng làm tăng mất nước qua đường tiểu làm cho tình trạng mất nước nặng hơn. Trẻ bị sốt có thể không cảm thấy đói, và do đó, không cần thiết phải ép trẻ ăn. Tuy nhiên, chất lỏng như sữa (sữa bò hoặc sữa mẹ), sữa công thức và nước cần được cho trẻ uống thường xuyên. Trẻ lớn có thể ăn các loại thức ăn chúng thích như thạch, súp, và ngay cả kem. Nếu trẻ không muốn hoặc không thể uống trong hơn một vài giờ, cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Nghỉ ngơi - Sốt làm cho hầu hết trẻ cảm thấy mệt mỏi và đau nhức. Trong thời gian này, cha mẹ nên khuyến khích con em mình nằm nghỉ càng nhiều nếu chúng muốn. Không nên ép buộc trẻ nằm ngủ hay nghỉ ngơi nếu chúng bắt đầu cảm thấy khỏe hơn. Trẻ em có thể đi học lại hoặc các hoạt động bình thường khác khi thân nhiệt trở về bình thường được 24 giờ.

Lau và tắm – Tắm mát thường không cần thiết nhưng có thể làm hạ sốt nhanh chóng. Đặt bé trong chậu nước ấm, dùng khăn làm ướt da tay chân, người của bé. Nước không làm bé hạ sốt, mà sự bay hơi nước sẽ làm giảm cơn sốt. Do đó, không được quấn trẻ trong khăn ướt, nó sẽ ngăn chặn sự bốc hơi nước. Không được sử dụng rượu để lau mát vì nguy cơ ngộ độc do rượu được hấp thụ qua da.

Tài liệu tham khảo

  1. Linda SN and Deepak K. Fever. In Kliegman RM et al (Eds) Nelson textbook of pediatric, 20th ed, Elsevier, 2016: 1277-1279
  2. NICE guideline (National Institute for Health and Care Excellence). Fever in under 5s: assessment and initial management, 2013
  3. Baraff LJ. Management of fever without source in infants and children. Ann Emerg Med 2000; 36:602.
  4. Mackowiak PA. Fever: blessing or curse? A unifying hypothesis. Ann Intern Med 1994; 120:1037.
  5. Meremikwu M, Oyo-Ita A. Paracetamol for treating fever in children. Cochrane Database Syst Rev 2002; :CD003676.
  6. Sarrell EM, Wielunsky E, Cohen HA. Antipyretic treatment in young children with fever: acetaminophen, ibuprofen, or both alternating in a randomized, double-blind study. Arch Pediatr Adolesc Med 2006; 160:197.​

Bài viết gần đây/mới

ĐAU VAI CẢNH BÁO BỆNH GÌ VÀ PHƯƠNG PHÁP TẦM SOÁT HIỆU QUẢ
Đau vai là tình trạng thường gặp và thường bị bỏ qua; tuy nhiên, đây lại là dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm bao hoạt dịch, viêm khớp, gãy xương,... Cùng tìm hiểu với Bác sĩ CarePlus trong bài viết dưới đây!

By ThS. BS. CKI NGUYỄN VĂN HOÀNG TÂM

BÍ QUYẾT ĐẨY LÙI SUY DINH DƯỠNG Ở NGƯỜI CAO TUỔI
Suy dinh dưỡng ở người cao tuổi có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống. Tìm hiểu cách cải thiện qua chế độ dinh dưỡng hợp lý cùng Bác sĩ CarePlus.

By ThS. BS. Nguyễn Phương Anh

BỆNH VIÊM ÂM ĐẠO LÀ GÌ? DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ ĐÚNG
Viêm âm đạo là một bệnh phụ khoa phổ biến, đặc biệt ở phụ nữ đã lập gia đình. Với môi trường ẩm ướt và khuất bên trong cơ thể, vùng âm đạo dễ trở thành nơi vi khuẩn, nấm và các tác nhân gây bệnh phát triển. Nếu không được điều trị đúng cách, viêm âm đạo có thể để lại hậu quả nghiêm trọng như viêm mãn tính, hiếm muộn, viêm cổ tử cung, và thậm chí các bệnh lý ác tính.

By THS. BS. Nguyễn Quỳnh Chi

{{currentDoctor.Name}}
*{{ errors.first('form-1.Họ tên người đăng ký') }}
*{{ errors.first('form-1.Điện thoại') }}
*{{ errors.first('form-1.Email') }}
Thông tin bệnh nhân:
*{{ errors.first('form-1.Họ tên bệnh nhân') }}