Trong 1 tháng nay, tình hình bệnh hô hấp tăng đột biến ở trẻ em. Rất nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng sốt, ho, rồi chuyển qua viêm phổi hoặc khó thở, nhất là các bạn có cơ địa khò khè, suyễn..... Ngoài nguyên nhân do biến đổi thời tiết, mưa bão, giao mùa, thi một trong những tác nhân gây suy hô hấp đáng chú ý ở trẻ dưới 2 tuổi đó là nhiễm virus hô hấp hợp bào (RSV virus).
Virus hô hấp hợp bào RSV một loại virus gây bệnh đường hô hấp đã được phát hiện vào năm 1963 và đã được ghi nhận gây ra nhiều đợt dịch lớn cách đây cả trăm năm nay.
Virus đi vào cơ thể qua mắt, mũi hay miệng bởi các dịch tiết đường hô hấp bị nhiễm virus. Virus cũng được hít hay truyền cho người khác qua tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt virus có thể sống nhiều giờ trên các vật dụng như bàn và đồ chơi. Trẻ sẽ có khả năng nhiễm virus gây bệnh nếu vô tình chạm vào những đồ vật có chứa virus và đưa lên mắt mũi.
1. Virus hô hấp hợp bào (RSV) nguy hiểm như thế nào với trẻ nhỏ?
Bệnh do nhiễm virus hô hấp hợp bào thường diễn tiến với các triệu chứng hô hấp thường gặp như sốt, ho, sổ mũi nhẹ, có thể kéo dài từ 1 đến 3 tuần rồi tự lui bệnh mà không cần uống thuốc gì cả. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi (đặc biệt là dưới 6 tháng tuổi), virus RSV có thể gây viêm phổi nặng và suy hô hấp nặng.
2. Đối tượng dễ mắc bệnh nặng khi nhiễm virus này?
- Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi (đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi)
- Trẻ sanh non dưới 35 tuần
- Trẻ có bệnh tim phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch,...
- Có bệnh suyễn không kiểm soát
- Có tiếp xúc khói thuốc lá
3. Khi nào cần cho trẻ có dấu hiệu bệnh đường hô hấp cần đi khám bệnh sớm?
Khi trẻ có biểu hiện viêm đường hô hấp (ho, sổ mũi, hắt hơi nghẹt mũi..) và kèm theo một trong các dấu hiệu sau:
- Sốt cao > 38 độ C nhất là trẻ dưới 3 tháng tuổi
- Bú giảm, ọc sữa
- Thở khó, thở nhanh, thở co kéo
- Tím môi
- Li bì
Tuy nhiên, đối với trẻ lớn (> 2 tuổi) nếu chỉ sốt nhẹ, chơi vui, ăn uống tốt, không thở nhanh, ba mẹ vẫn có thể theo dõi tại nhà 1 hoặc 2 ngày.
4. Bệnh có chữa được không?
- Theo diễn tiến bình thường, bệnh sẽ tự hết. Trong trường hợp nhẹ, trẻ được cho về theo dõi dấu hiệu nặng tại nhà, chỉ cần cho bé uống đủ nước, sữa theo nhu cầu hằng ngày, hạ sốt khi cần, bệnh sẽ tự hết trong 1-3 tuần.
- Các loại thuốc ho (từ thảo dược đến tân dược) đều KHÔNG hiệu quả trong điều trị bệnh. Thậm chí, nhiều loại thuốc ho gây khô đàm còn làm nặng thêm tình trạng bệnh.
- Một số ít trường hợp diễn tiến nặng cần điều trị tại bệnh viện vì biến chứng suy hô hấp và viêm phổi bội nhiễm do vi trùng (những đối tượng nguy cơ mắc bệnh nặng)
5. Làm sao để phòng ngừa bệnh?
- Hiện nay chưa có vaccine phòng ngừa virus hợp bào, vì vậy trẻ sẽ có khả năng bị nhiễm virus này nhiều lần. Do đó, việc phát hiện bệnh sớm để có kế hoạch điều trị cũng như chăm sóc kịp thời là rất quan trọng.
Palivizumab để dự phòng bệnh dành cho những trẻ có nguy cơ mắc bệnh nặng nếu nhiễm virus RSV như trẻ có bệnh tim bẩm sinh nặng, hoặc mắc bệnh phổi mạn,... nhưng việc sử dụng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ và thuốc không có sẵn tại Việt Nam
- RỬA TAY thường xuyên trước khi chăm sóc trẻ (nhất là trẻ sơ sinh) là biện pháp hiệu quả nhất để ngừa bệnh lây truyền
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh đường hô hấp (cảm, cúm, ốm, sốt,...)
- Ngoài ra, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng hệ miễn dịch cho trẻ.
Hãy chia sẻ cùng chúng tôi