Nhiễm "đột phá” (breakthrough infection) là trường hợp đã chích đủ 2 mũi vaccine hơn 14 ngày để tạo miễn dịch tối ưu, nhưng vẫn mắc Covid-19. Phần lớn trường hợp nhiễm "đột phá" biểu hiện nhẹ hoặc không triệu chứng. Thống kê tại Mỹ cho thấy số trường hợp nặng cần nhập viện hoặc tử vong chỉ vào khoảng 1 ca trên 10000 người chích vaccine đủ liều.
9/16/2021 11:23:29 PM
Một phát hiện rất quan trọng từ nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Lancet tháng 9/2021 trên gần 1000 bệnh nhân Covid-19 ở BV Đại học Yale cho thấy mặc dù chỉ chiếm khoảng 1.25% trường hợp đã chích đủ 2 mũi vaccine phải nhập viện, người có bệnh nền (cụ thể là bệnh tim mạch chuyển hóa) và lớn tuổi có nhiều nguy cơ bị Covid-19 nặng hơn.
Cụ thể đặc điểm của nhóm nhiễm "đột phá" bị Covid-19 nặng như sau:
- có bệnh tim mạch (85%),
- béo phì (65%),
- tiểu đường (50%),
- bệnh phổi mạn tính (50%),
- người cao tuổi > 80 tuổi (50%),
- ung thư (30%),
- suy giảm miễn dịch (30%).
Vaccine tuy giúp giảm nhập viện và tử vong, nhưng vẫn không phải là bộ giáp vạn năng có thể chống lại hoàn toàn lây nhiễm. Khả năng đề kháng bảo vệ của cơ thể còn phụ thuộc vào các yếu tố khác, như sức khỏe miễn dịch, các bệnh lý nền, chủng virus,v.v.
Bệnh nhân có bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì, huyết áp cần phải chích vaccine sớm và đúng theo khuyến cáo, đồng thời càng phải chú trọng việc theo dõi và điều trị để kiểm soát thật tốt tình trạng bệnh của mình.
Sức khỏe tim mạch được ổn định, các bệnh lý nền được kiểm soát tốt cũng là một loại “vaccine” bảo vệ hữu hiệu trong đại dịch Covid.
Do ảnh hưởng của dịch Covid, rất nhiều bệnh nhân ở nhà và tự uống thuốc tiếp tục và không được Bác sỹ khám theo dõi cũng như trì hoãn xét nghiệm định kỳ. Việc này có thể khiến tình trạng bệnh tim mạch trở nên mất kiểm soát nếu kéo dài.
Người có bệnh tim mạch vẫn có thể đảm bảo duy trì việc kiểm soát tốt sức khỏe của mình, bằng cách thích nghi với những thay đổi trong hoạt động chăm sóc sức khỏe của giai đoạn “Bình thường mới”. Sau đây là một số lời khuyên hữu ích:
1. Làm quen với khám từ xa
Khám từ xa thông qua phương tiện videocall giúp bạn duy trì liên lạc liên tục với bác sĩ điều trị của mình, được nhận lời khuyên cũng như chỉ dẫn trong các tình huống cần thiết
2. Lên lịch kiểm tra các xét nghiệm máu định kỳ
Thông thường mỗi 3 tháng, bác sĩ tim mạch sẽ cần phải xét nghiệm đường huyết, mỡ máu.. để đánh giá mức độ kiểm soát và nguy cơ bệnh tim mạch. Chức năng gan thận cũng quan trọng để điều chỉnh thuốc điều trị. Xét nghiệm có thể được lấy mẫu tại nhà, giảm nguy cơ lây nhiễm khi đến nơi đông người.
3. Biết cách theo dõi trị số huyết áp, đường huyết tại nhà
Không cần tới phòng khám, bạn vẫn có thể tự theo dõi các trị số quan trọng này để cung cấp cho bác sĩ thông tin để kịp thời điều chỉnh liều thuốc
4. Tập thể dục và ăn uống lành mạnh
Bạn cần duy trì các thói quen tốt này để thuốc tim mạch đạt hiệu quả cao nhất.
5. Kết nối giữ liên lạc thường xuyên với Phòng khám ngoại trú tim mạch
Bác sĩ theo dõi bệnh tim mạch cho bạn cần nắm rõ các biểu hiện triệu chứng và thông số huyết áp, nhịp tim.. của bạn, để biết được hiệu quả của việc điều trị và kịp thời điều chỉnh thuốc nếu cần thiết.
Vaccine là lớp áo giáp bên ngoài để chống đỡ Covid-19 và giảm thiểu nguy cơ bệnh nặng cũng như tử vong. Tuy nhiên việc kiểm soát tốt và liên tục các vấn đề tim mạch có sẳn của bạn, cùng với việc duy trì các thói quen thể chất và tinh thần khỏe mạnh, chính là biện pháp căn bản nhất để giúp bạn có được sức đề kháng miễn dịch và vững vàng trước viễn cảnh các biến thể mới của virus xuất hiện và đe dọa làm mỏng đi lớp áo giáp vaccine.