17/06/2021 9:51:46 SA
Tại sao 55 nhân viên y tế của BV Nhiệt đới mặc dù đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin AstraZeneca (AZ) ngừa COVID-19 nhưng vẫn bị nhiễm virus?
Thực ra đây là 1 điều rất bình thường không chỉ riêng vắc-xin COVID-19 mà hầu hết các vắc-xin khác, cũng như bạn chích ngừa cúm hàng năm nhưng thỉnh thoảng bạn vẫn bị cúm, tuy nhiên thường cúm nhẹ và nhanh khỏi.
Vắc-xin COVID-19, theo như báo cáo từ các nhà sản xuất, các vắc-xin có hiệu quả tốt nhất như Pfizer hay Moderna thì cũng chỉ hiệu nghiệm hơn 90%. Còn của AstraZeneca, nếu khoảng cách giữa 2 liều là 4 tuần thì hiệu quả trên 60%, còn khoảng cách 2 liều là 12 tuần thì hiệu quả hơn 80%. Điều quan trọng là sau khi đã chích đủ 2 liều vắc-xin ít nhất 2 tuần, những người nếu không may bị nhiễm COVID thì chỉ bệnh nhẹ và gần như không bị tử vong vì COVID.
Thực tế là trong số 53 ca đầu tiên của BVNĐ thì 52 ca không có triệu chứng, chiếm 98%, chỉ 1 ca có triệu chứng nhẹ. Tính đến ngày 14/6 có 55 ca dương tính/ 924 người được xét nghiệm chiếm 6%, như vậy vẫn nằm trong kết quả dự đoán của vắc-xin.
Nguy cơ bị nhiễm sau tiêm được cho là phụ thuộc vào khả năng tạo miễn dịch của cá thể (liên quan đến cấu trúc gene, tuổi cao, bệnh lý nền, các loại thuốc sử dụng), và biến thể của virus. Nghiên cứu ở Đức cho thấy hiệu quả của vắc-xin AZ với biến chủng Nam phi giảm còn khoảng 80% và biến chủng Ấn Độ chỉ còn khoảng 50% so với chủng nguyên thuỷ.
Để tăng hiệu quả của vắc-xin AZ thì bạn nên chích liều vaccine thứ 2 cách liều đầu 12 tuần.
Mới đây có thông tin một nữ nhân viên y tế tử vong sau tiêm vắc xin COVID-19 AstraZeneca. Nếu vậy các loại vắc-xin này có tránh các bệnh nền nào không ạ? Người dị ứng với kháng sinh Ampicillin, kháng sinh penicilin và dị ứng với thực phẩm thì có tiêm vắc-xin được không?
Các vắc-xin COVID-19 chỉ chống chỉ định cho bệnh nhân bị sốc phản vệ ở lần tiêm liều đầu tiên và người có dị ứng với các thành phần của vaccine định tiêm.
Về bản chất, vắc-xin ngừa COVID-19 không phải là thuốc kháng sinh hay thuốc kháng viêm giảm đau non-steroid, do đó người có cơ địa mẫn cảm nhóm thuốc này không phải là đối tượng chống chỉ định với vắc-xin. Tuy nhiên, như khuyến cáo, những trường hợp có phản ứng quá mẫn cảm cần thận trọng và cần khám chuyên khoa dị ứng để đánh giá nguy cơ trước khi chỉ định tiêm vắc-xin. Còn những người có tiền sử bị viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng hoặc dị ứng nhẹ ngoài da do thuốc, thức ăn… đều có thể được chỉ định tiêm vắc-xin phòng COVID-19 như những người không có tiền sử dị ứng.
Để theo dõi và được xử trí tốt nhất nếu có phản ứng xảy ra, tất cả các trường hợp tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đều cần được theo dõi tại chỗ ít nhất 30 phút sau tiêm. Những người có tiền sử dị ứng đều cần được theo dõi tại chỗ sau tiêm ít nhất 60 phút. Một số đối tượng có thể được chỉ định tiêm vắc-xin nhưng cần sự thận trọng đặc biệt, bao gồm: Những người có tiền sử dị ứng tức thì với nhiều loại thuốc, dị ứng vắc-xin, hội chứng quá mẫn với aspirin và thuốc chống viêm giảm đau không steroid, tiền sử phản vệ không rõ nguyên nhân hoặc bệnh lý tế bào mast.
Người cao tuổi, có bệnh lý nền có nên tiêm ngừa COVID-19 hay không?
Khả năng mắc bệnh nghiêm trọng do COVID-19 gia tăng theo độ tuổi. Vì vậy, người cao tuổi, người có bệnh nền là đối tượng càng nên tiêm vắc-xin.
Tác dụng phụ sau khi tiêm vắc-xin thường xuất hiện trong thời gian nào?
Các tác dụng phụ cần được theo dõi tại cơ sơ sở y tế trong vòng 30 phút sau khi tiêm và tại nhà trong hai tháng sau đó.
Các nước Châu Âu và Mỹ yêu cầu theo dõi trong vòng tám tuần sau khi tiêm, hiện chưa thấy có thông tin về tác dụng phụ xảy ra muộn hơn.
Vắc-xin COVID-19 có chích được cho trẻ em hay không và từ mấy tuổi trở lên nên chích ngừa COVID-19 ?
Hiện tại có vắc-xin của Pfizer được cấp phép tiêm cho trẻ em 12-15 tuổi, các vắc-xin khác chưa được khuyến cáo dùng cho trẻ em.
Phụ nữ đang chuẩn bị mang thai có được tiêm vắc-xin hay không? Phụ nữ đang dùng ngừa thai nội tiết tố có được tiêm vắc-xin hay không?
Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy vắc-xin COVID-19 có thể gây ra bất lợi cho phụ nữ chuẩn bị mang thai hay đang dùng thuốc ngừa thai nội tiết.
Phụ nữ mang thai và đang cho con bú có được tiêm vắc-xin hay không?
Phụ nữ mang thai có thể được tiêm phòng vắc xin nếu lợi ích của việc tiêm phòng lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn do vắc-xin. Dựa trên cách vắc-xin hoạt động trên cơ thể con người, vắc-xin COVID-19 được cho là không gây nguy hại đến người đang tiết sữa hoặc trẻ sơ sinh đang bú sữa mẹ. Do đó, người đang tiết sữa có thể tiêm vắc-xin COVID-19.
Phụ nữ trên 40 tuổi nên dùng vắc-xin nào?
Hiện tại Việt Nam cho phép dùng bất cứ vắc-xin nào được cấp phép, các nước khác thì tuỳ theo hướng dẫn của cơ quan y tế từng quốc gia.
Thời gian dự kiến có vắc-xin đủ cung cấp cho toàn dân là khi nào? Doanh nghiệp đã được tự ý mua vắc-xin để tiêm cho nhân viên chưa ạ? Làm thế nào để các doanh nghiệp có thể mua được vắc-xin nhập khẩu từ nước ngoài để tiêm cho cán bộ công nhân viên?
Ngày 01/06/2021, Bộ Y tế đã công bố 36 doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu và phân phối vắc-xin. Bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể liên hệ với Bộ y tế hoặc các công ty có chức năng nhập khẩu vắc-xin này để đề nghị hợp tác và được hỗ trợ. Bộ Y tế cũng khẳng định, tất cả các lô vắc-xin dù đơn vị nào nhập khẩu nhưng có hồ sơ chứng nhận xuất xứ, chất lượng thì đều được Bộ Y tế chỉ đạo hệ thống y tế tổ chức tiêm. Đối với hồ sơ chứng nhận xuất xứ, chất lượng, trong tình huống các doanh nghiệp, hiệp hội qua các mối quan hệ đối tác có thể nhập được một lượng vắc-xin không lớn nên khó có đủ bộ hồ sơ từ nhà sản xuất, Bộ Y tế cam kết sẽ hướng dẫn, xử lý từng trường hợp một cách thuận lợi và nhanh nhất, nếu nhận được đề nghị.
Có nên tiêm vắc-xin COVID-19 khi đang bị nhiễm COVID-19 hay không? Nếu đã tiêm một liều vắc-xin COVID-19 mà bị nhiễm COVID-19 thì có nên tiêm tiếp liều thứ hai hay không?
Câu trả lời là vẫn nên tiêm, tuy nhiên cần chờ tới sau khi hết khả năng lây nhiễm mới tiêm.
Những người nhiễm bệnh xong được chữa khỏi thì có miễn dịch tự nhiên và không cần tiêm vắc-xin không?
Có, trong trường hợp được điều trị bằng kháng thể thì cần chờ ba tháng sau khi khỏi bệnh
Vắc-xin sẽ có tác dụng trong bao lâu?
Hiện tại chưa có đủ thông tin để kết luận về điều này.
Tỷ lệ tiêm vắc-xin trên tổng dân số khoảng bao nhiêu thì đạt được miễn dịch cộng đồng?
Chưa có đủ thông tin để kết luận (Giả thuyết 60-70% tuy nhiên thực tế khác, và các biến chủng luôn thay đổi). Việt Nam đặt mục tiêu tiêm vắc-xin cho 75% dân số trong năm 2021.
Tại thời điểm ngay sau khi tiêm vắc-xin mà test COVID-19 thì kết quả có bị ảnh hưởng bởi việc tiêm vắc-xin không?
Tiêm vắc-xin không làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm COVID-19
Người có bệnh nền viêm gan C (đã chữa) có thể tiêm vắc-xin AstraZeneca không? Vắc-xin có làm tăng chỉ số men gan/ gây hại gan không?
Người bệnh viêm gan C tiêm được, hiện tại chưa có thông tin ghi nhận sự thay đổi về men gan trên bệnh nhân viêm gan C tiêm ngừa vắc-xin COVID-19.
Trong các loại vắc-xin đã và đang sử dụng tại Việt Nam, đến nay, mình có bất kỳ báo cáo nào thống kê so sánh loại vắc-xin nào có hiệu quả vượt trội chưa?
Hiện tại chưa có báo cáo thống kê về thông tin này.
-----
Đừng lo lắng và hoảng sợ nếu bạn là F0 hay F1 đang cách ly tại nhà. Đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và nhiều năm kinh nghiệm của CarePlus luôn sẵn sàng để trợ giúp qua Chương trình HỖ TRỢ THEO DÕI VÀ TƯ VẤN TỪ XA CHO NGƯỜI ĐANG CÁCH LY TẠI NHÀ, bao gồm dịch vụ 1 lần tư vấn hoặc gói 7 lần tư vấn trong 8 ngày. Tìm hiểu thêm và Đăng ký TẠI ĐÂY
Hệ thống phòng khám quốc tế CarePlus cung cấp DỊCH VỤ TIÊM NGỪA TRỌN GÓI CHO TRẺ 0-6 THÁNG, bao gồm đầy đủ các loại vắc-xin cần thiết theo phác đồ tiêm chủng khuyến cáo để bảo vệ con khỏi các bệnh nguy hiểm và nhiều đặc quyền ưu đãi cho bố mẹ.
CarePlus sử dụng nguồn vắc-xin chất lượng cao, nhập khẩu trực tiếp từ các hãng sản xuất uy tín trên thế giới đã được kiểm chứng về độ hiệu quả và an toàn, và được bảo quản nghiêm ngặt bằng công nghệ hiện đại. Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hotline 18006116 (miễn cước) hoặc inbox Fanpage/Zalo CarePlus Clinic Vietnam hoặc đăng ký trực tuyến tại tại đây. Tải ứng dụng arePlus app để đặt lịch nhanh hơn và theo dõi lịch tiện lợi hơn! HỆ THỐNG PHÒNG KHÁM QUỐC TẾ CAREPLUS - Thành viên của Singapore Medical Group
|
Bài viết được tư vấn bởi BS.CK2. Phùng Thị Phương Chi
Bài viết được tư vấn bởi THS. BS. Phùng Ngọc Minh Tấn
Bài viết được tư vấn bởi THS. BS. Phùng Ngọc Minh Tấn
Bài viết được tư vấn bởi Ths. BS. Lê Thị Kim Dung