Nhiều người bị ung thư hoặc có người thân đang điều trị ung thư đang tự hỏi liệu có an toàn khi thực hiện tiêm một trong các loại vắc xin COVID-19 đã được phê duyệt hay không. Chúng ta biết rằng người có bệnh lí nền chẳng hạn như ung thư hoặc bệnh tim, nếu mắc Covid có nguy cơ tiến triển bệnh nghiêm trọng hơn những trường hợp khác.
7/8/2021 10:17:58 AM
Các Hiệp hội và mạng lưới phòng chống ung thư như ASCO, ESMO, NCCN, ANZTCT, HSANZ, MOGA đã đưa ra những khuyến cáo cho trường hợp bệnh nhân ung thư như sau:
Bệnh nhân ung thư có nên chích ngừa Covid-19 được không?
Hiện tại, bệnh nhân ung thư có thể được tiêm ngừa như bình thường, trừ khi có các thành phần trong thuốc gây chống chỉ định chung. Tuy nhiên bạn cần được tư vấn về sự an toàn của vắc xin cũng như khả năng hệ miễn dịch của mình đáp ứng kém hơn với vắc xin, và vẫn phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa Covid-19. Các chuyên gia nhận định rằng vắc xin giúp làm giảm nguy cơ có triệu chứng nặng khi nhiễm Covid-19.
Bệnh nhân ĐANG điều trị ung thư có tiêm vắc xin được không?
Cho đến thời điểm này, thông tin vẫn cho thấy không có chống chỉ định tiêm vắc xin khi đang điều trị ung thư. Đã có nhiều kinh nghiệm về an toàn tiêm các loại vắc xin khác khi bệnh nhân đang điều trị ung thư như hóa trị, điều trị miễn dịch và xạ trị, thường việc tiêm vắc xin được thực hiện giữa các chu kỳ điều trị ung thư để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và đảm bảo hiệu quả của vắc xin.
Bệnh nhân ĐÃ điều trị ung thư có tiêm vắc xin được không?
Bệnh nhân đã điều trị ung thư có thể tiêm vắc xin an toàn như những người khác. Một số nghiên cứu cho thấy vắc xin loại mRNA có thể làm ảnh hưởng đến kết quả chẩn đoán hình ảnh trong ung thư . Ví dụ như hình ảnh bệnh lý hạch nách ở bệnh nhân ung thư vú có thể gặp nhiều hơn sau khi tiêm vắc xin Moderna và Pfizer-BioNTech.
Một nghiên cứu của SBI (Hiệp hội chẩn đoán hình ảnh ung thư vú) cho thấy sau khi tiêm vắc xin Moderna thì cảm giác căng và phù vùng nách quan sát thấy ở 11,6-16% bệnh nhân ung thư vú, thường xảy ra trung bình 1-2 ngày sau tiêm, kéo dài 2-4 ngày.
Các liệu pháp điều trị ung thư và thời điểm tiêm vắc xin Covid- 19
• Bệnh nhân hoá trị và điều trị thuốc ức chế miễn dịch: Nên tiêm vắc xin ở thời điểm không có giảm bạch cầu máu. Do sau tiêm vắc xin 24-48 giờ có thể bị sốt, nếu kèm giảm bạch cầu bạn cần phải nằm viện theo dõi. Một số trường hợp cần trì hoãn việc tiêm vắc xin như khi hóa trị ở bệnh nhân bệnh ung thư hệ tạo huyết.
• Bệnh nhân điều trị miễn dịch, điều trị hormone, xạ trị: không hạn chế thời điểm tiêm vắc xin.
• Bệnh nhân điều trị corticoids: corticoids làm giảm đáp ứng miễn dịch, do đó bạn cần tư vấn với bác sĩ điều trị để lựa chọn thời gian cụ thể.
• Đang điều trị Rituximab, Blinatumomab, Anti-thymocyte globulin, Alemtuzumab và các thuốc làm giảm Lymphocyte khác: các thuốc này làm giảm tế bào Lympho, do đó hiệu quả tiêm vắc xin tốt nhất là ít nhất 3 tháng sau khi hoàn tất điều trị. Tuy nhiên nếu tình trạng dịch bệnh Covid-19 quá nặng nề, bạn có thể cân nhắc tiêm vắc xin vì cũng có tác dụng bảo vệ một phần.
• Bệnh nhân điều trị phẫu thuật: do vắc xin có thể gây sốt sau 24-48 giờ, bạn cần tránh tiêm chủng trong vòng vài ngày trước và sau phẫu thuật vì sốt có thể phải trì hoãn phẫu thuật.
• Bệnh nhân đã phẫu thuật hạch nách (bao gồm cả ung thư vú): cần được tiêm vắc xin ở tay đối bên, vì vắc xin có thể làm phì đại hạch nách và làm nặng thêm tình trạng phù cánh tay.
• Bệnh nhân đã điều trị tế bào gốc và CART: Nếu điều trị trong vòng 3 tháng hoặc tế bào B thấp thì cần tư vấn kỹ với bác sĩ điều trị để cân nhắc việc tiêm vắc xin.
• Bệnh nhân đã điều trị quang hóa (extracorporeal photopheresis) hoặc lọc huyết tương: kế hoạch điều trị nên thực hiện ít nhất 2 tuần sau khi tiêm vắc xin.
• Những bệnh nhân dị ứng nặng với hóa chất hoặc kháng thể đơn dòng: các thành phần polyethylene glycol và polysorbate trong hóa chất có thể gặp trong vắc xin, do đó nếu bạn đã dị ứng với các thuốc này khi điều trị thì cần đặc biệt lưu ý.
• Bệnh nhân đã dị ứng nặng với liều vắc xin đầu tiên: không nên tiêm liều thứ 2, ngoại trừ được bác sĩ dị ứng xem xét kỹ.
• Nếu bạn đã nhiễm Covid- 19: bạn vẫn nên tiêm vắc xin sau khi đã nhiễm Covid-19 (mặc dù theo lý thuyết bạn có thể chờ 3-6 tháng sau khi bị nhiễm mới tiêm lại).
Hệ thống phòng khám quốc tế CarePlus cung cấp DỊCH VỤ TIÊM NGỪA TRỌN GÓI CHO TRẺ 0-6 THÁNG, bao gồm đầy đủ các loại vắc-xin cần thiết theo phác đồ tiêm chủng khuyến cáo để bảo vệ con khỏi các bệnh nguy hiểm và nhiều đặc quyền ưu đãi cho bố mẹ.
CarePlus sử dụng nguồn vắc-xin chất lượng cao, nhập khẩu trực tiếp từ các hãng sản xuất uy tín trên thế giới đã được kiểm chứng về độ hiệu quả và an toàn, và được bảo quản nghiêm ngặt bằng công nghệ hiện đại. Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hotline 18006116 (miễn cước) hoặc inbox Fanpage/Zalo CarePlus Clinic Vietnam hoặc đăng ký trực tuyến tại tại đây. Tải ứng dụng arePlus app để đặt lịch nhanh hơn và theo dõi lịch tiện lợi hơn! HỆ THỐNG PHÒNG KHÁM QUỐC TẾ CAREPLUS - Thành viên của Singapore Medical Group
|