26/12/2023 2:48:08 CH
Bài viết được cố vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ. Bác sĩ Nguyễn Huy Bằng - Chuyên ngành Nội soi tiêu hóa tại hệ thống phòng khám CarePlus
Nội soi ống mềm giúp bác sĩ phát hiện nhiều bệnh lý đường tiêu hóa, nhưng cũng có thể tăng nguy cơ lây nhiễm nếu ống nội soi không khử khuẩn đúng quy trình.Nội soi là phương pháp tối ưu nhất trong tầm soát phát hiện ung thư dạ dày và đại tràng.
Kỹ thuật nội soi ống mềm với công nghệ nội soi phóng đại hình ảnh dải tần ánh sáng hẹp M-NBI (Magnifying NBI) giúp bác sĩ quan sát rõ mô và niêm mạc trong ống tiêu hóa. Dựa trên các hình ảnh có độ phóng đại, bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh, đánh giá chính xác tình trạng tổn thương, cắt bỏ polyp, sinh thiết mẫu bệnh phẩm, kiểm tra vi khuẩn H.P và tầm soát ung thư sớm đường tiêu hóa. Nội soi gây mê được xem là phương pháp an toàn, không gây khó chịu, không ảnh hưởng tới trí nhớ và não bộ, giúp người bệnh hồi phục nhanh sau khi được thực hiện các thủ thuật nội soi.
Bên cạnh ưu điểm vượt trội của phương pháp, nếu việc kiểm soát nhiễm khuẩn trong quá trình làm sạch, khử khuẩn và bảo quản ống nội soi không đảm bảo tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh đường tiêu hóa do nhiễm khuẩn từ người này sang người khác. Nhiều báo cáo ghi nhận có nhiều loại vi sinh vật phổ biến gây bệnh lây qua trung gian máy nội soi.
Nhiễm khuẩn gây bệnh
Một số vi khuẩn E.coli, Klebsiella pneumoniae, thương hàn, trực khuẩn lao, trực khuẩn mủ xanh… có thể lây truyền qua nội soi khi dây nội soi và dụng cụ không được làm sạch và khử khuẩn theo đúng quy trình. Việc lây nhiễm này đặc biệt nguy hiểm khi các loại vi khuẩn này đã kháng thuốc.
Nhiễm virus viêm gan
Viêm gan virus B là bệnh lý nguy hiểm do người bệnh thường không biết mình đã nhiễm. Triệu chứng của bệnh không điển hình. Virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể sẽ khiến chức năng gan suy giảm. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính và không được quản lý bệnh theo phác đồ của bác sĩ, người bệnh có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ gan, suy gan cấp, ung thư gan.
Những nguyên nhân gây lây nhiễm qua nội soi bao gồm nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan do bệnh nhân chỉ định nội soi quá tải tại nhiều bệnh viện, trang thiết bị nội soi thiếu. Nguyên nhân chủ quan do các quy trình làm sạch và khử khuẩn bị cắt bớt: không kiểm tra rò rỉ sau mỗi lần thực hiện nội soi, thời gian ngâm khử khuẩn không đủ, điều này này xảy ra phụ thuộc vào nhận thức của người làm sạch, khử khuẩn dụng cụ cũng như sự giám sát của đơn vị thực hiện.
Theo ghi nhận của Hiệp hội Nội soi tiêu hóa Mỹ, nếu quy trình khử khuẩn đảm bảo an toàn thì tỉ lệ nhiễm trùng do máy nội soi chỉ khoảng 1 ca cho 1,8 triệu lần làm thủ thuật. Kiểm soát nhiễm khuẩn trong nội soi tiêu hóa là yếu tố rất quan trọng quyết định sự an toàn cho người bệnh trong quá trình phát hiện và điều trị bệnh. Nhân viên y tế tại hệ thống phòng khám CarePlus được đào tạo về kiểm soát nhiễm khuẩn, thực hiện và triển khai đúng quy trình, đảm bảo người bệnh không lây nhiễm các bệnh trong quá trình nội soi.
Sau khi sử dụng dây nội soi, nhân viên y tế làm sạch theo quy trình:
1. Xử lý tại chỗ
2. Thử rò rỉ của dây soi sau mỗi lần soi để đảm bảo dây soi không bị thủng
3. Làm sạch và cuối cùng đặt dụng cụ vào trong hệ thống máy rửa và khử khuẩn tự động với thời gian >21 phút.
4. Sau khi máy đã khử khuẩn an toàn sẽ được bảo quản trong tủ có hệ thống sấy và tiệt khuẩn tự động.
Các bước trong chu kỳ lần lượt được thực hiện. Nhân viên y tế không thể bỏ qua bất kỳ bước quan trọng nào hoặc tự ý rút ngắn quy trình giúp giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm cho bệnh nhân được soi tiếp theo.
Bài viết được tư vấn bởi TS. BS. Nguyễn Huy Bằng