75% người hút thuốc lá muốn bỏ thuốc. Trung bình 1 người cai thuốc lá thành công cần tới… 30 lần thử cai. Tại sao cai thuốc lá khó vậy? Vì nghiện thuốc lá không chỉ đơn giản là một thói quen, một sở thích mà thực sự là một bệnh được phân loại hẳn hoi (mã ICD F17).
14/06/2021 4:44:26 CH
- Mỗi ngày, đại dịch đó đã cướp đi sinh mạng của khoảng 100 người Việt Nam
- Khả năng lây lan của đại dịch này cực kỳ lớn, ước tính 20 triệu người Việt Nam mang trong người, thêm khoảng 30 triệu người (chủ yếu là phụ nữ và trẻ em) đang bị ảnh hưởng gián tiếp, dù bản thân họ không hề mong muốn.
- Độc lực của nó vô cùng ghê gớm, chứa hơn 7000 chất cực độc tác động lên hầu như mọi cơ quan trong cơ thể như tim, phổi, thận, não, bàng quang, v.v. gây ra trên 25 chứng bệnh hiểm nghèo, nhiều bệnh hiện chưa có cách chữa khỏi.
- Dịch bệnh này còn để lại những hậu quả cho thế hệ mai sau như gây vô sinh, dị tật, sinh non, v.v.
- Dịch bệnh này đặc biệt ưa thích các bệnh nhân tim mạch: tăng tốc độ xơ vữa mạch máu biến hệ động mạch vành của một người 20-30 tuổi thành giống như người 60-70 tuổi. Nó làm giảm hiệu quả của thuốc trị cao huyết áp, tiểu đường, có thể làm tắc lại một cái stent mạch vành Made-in-USA mới can thiệp, gây tắc mạch máu ở chân dẫn đến tàn phế, thậm chí tăng nguy cơ chết bất đắc kỳ tử.
Đó không phải là Covid-19, cũng không phải là bệnh Cúm gì mới của năm 2021, mà chính là HÚT THUỐC LÁ.
1 điếu thuốc hút bây giờ, hậu quả có thể kéo dài tới tận 15 năm sau, nhưng chỉ cần bắt đầu cai thuốc lá từ giờ phút này, cơ thể sẽ bắt đầu quá trình chữa lành. Vậy nên hãy cai thuốc lá ngay bây giờ, bạn nhé!
CAI THUỐC LÁ, DỄ HAY KHÓ?
75% người hút thuốc lá muốn bỏ thuốc. Trung bình 1 người cai thuốc lá thành công cần tới… 30 lần thử cai. Tại sao cai thuốc lá khó vậy? Vì nghiện thuốc lá không chỉ đơn giản là một thói quen, một sở thích mà thực sự là một bệnh được phân loại hẳn hoi (mã ICD F17).
Khi ngưng hút thuốc, trong vòng 24 giờ cơ thể sẽ hết hẳn chất gây nghiện nicotine trong máu. Người cai sẽ có những triệu chứng "nhẹ" như đau đầu, buồn nôn, chán ăn - không quá khó để vượt qua.
Thời điểm 48-72 giờ là lúc cơn khát nicotine lên đỉnh điểm: người bồn chồn, bứt rứt, cáu kỉnh, gắt gỏng, khó tập trung. "Thâm niên" hút thuốc và lượng thuốc hút càng nhiều thì thời gian này càng dài, nhưng chỉ khoảng 1-2 tuần. Đây là thời điểm người cai cần sự hỗ trợ hợp lý để vượt qua, vì chỉ cần qua được mốc này, tỉ lệ cai thuốc thành công đạt trên 90%!
Sau thời điểm 3 tuần, các triệu chứng cai sẽ giảm dần, người cai thuốc sẽ cảm thấy khỏe hơn trong trạng thái "bình thường mới".
Như vậy, điều cốt yếu trong cai thuốc lá là sự hỗ trợ kịp thời để giúp người cao thuốc vượt qua được mốc những tuần lễ đầu quan trọng. Thuốc lá là một vấn đề y khoa nên cần một cách tiếp cận y khoa: sự đồng hành của gia đình và bác sĩ, các thuốc hỗ trợ cai và một chế độ sinh hoạt hợp lý. Các nghiên cứu đã cho thấy tư vấn đúng phương pháp và sử dụng hợp lý các thuốc cai thuốc là giúp tăng gấp đôi tỉ lệ cai thành công.
BỎ THUỐC LÁ SẼ THAY ĐỔI CƠ THỂ NHƯ THẾ NÀO?
- 20 - 30 phút sau: Huyết áp và mạch giảm, bàn tay và chân bắt đầu ấm lên
- 8 giờ sau: Nồng độ CO trong máu giảm trong khi lượng O2 tăng lên
- 48 giờ sau: Cảm giác mùi vị được cải thiện
- 72 giờ sau: Phế quản được thả lỏng
- 2 tuần - 3 tháng sau: Sự tuần hoàn, chức năng phổi và sức chịu đựng cải thiện
- 1 - 9 tháng sau: Ho và nghẽn xoang giảm; phổi có thể làm sạch dịch nhầy, giữ sạch và giảm viêm nhiễm; tổng quan sức khỏe được cải thiện
- 1 năm sau: Tỉ lệ mắc bệnh tim giảm xuống còn ½ so với khi còn hút
- 5 năm sau: Tỉ lệ đột quỵ bằng với người không hút; tỉ lệ ung thư miệng, họng, thực quản và phổi giảm xuống còn ½; tỉ lệ ung thư cổ giảm xuống bằng với người không hút
- 10 năm sau: Nguy cơ ung thư cổ bằng ½ người hút; nguy cơ ung thư tuỵ bằng ½ với người không hút
- 15 năm sau: Nguy cơ bệnh tim giống với người không hút; nguy cơ tử vong bằng với người không hút thuốc
Bài viết được tư vấn bởi THS. BS. Phùng Ngọc Minh Tấn