Sức đề kháng chính là "thành trì" bảo vệ sức khỏe khỏi mọi sự tấn công từ các tác nhân bên ngoài. Sức đề kháng giúp cơ thể chống lại các tác nhân có hại như virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng… xâm nhập vào bên trong gây bệnh. Nếu sức đề kháng tốt, cơ thể khỏe mạnh sẽ ít nguy cơ mắc bệnh hơn, trường hợp không may mắc bệnh cũng sẽ diễn biến nhẹ và phục hồi nhanh hơn.
Sau đây là 6 lời khuyên của Ths. BS. Lê Thị Kim Dung – Phòng khám Quốc tế CarePlus giúp bạn tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, đặc biệt trong mùa cao điểm của các bệnh đường hô hấp:
1. Xây dựng chế độ ăn đầy đủ các nhóm chất theo khuyến cáo của Viện dinh dưỡng Việt Nam: nhóm tinh bột, nhóm rau củ quả, nhóm chất đạm, sữa và các sản phẩm từ sữa, nhóm chất béo. Ăn đầy đủ các chất sinh năng lượng như: chất béo, chất đạm, chất bột đường nhằm đảm bảo cho cơ thể đủ sức khỏe cho hoạt động và chống bệnh. Khi cơ thể có đầy đủ chất dinh dưỡng đồng nghĩa với chúng ta có một hệ miễn dịch khỏe mạnh và tăng sức đề kháng.
2. Bổ sung đầy đủ các vi chất dinh dưỡng bao gồm các vitamin và khoáng chất để giúp tăng cường miễn dịch. Không chỉ có vitamin C mà còn có vitamin A, D, E, sắt, kẽm, selen và các chất chống oxy hóa như Flavonoid.
- Vitamin C: hỗ trợ sản xuất interferon - protein quan trọng của hệ miễn dịch, giúp ức chế sự tổng hợp của virus mới, có tác dụng chống lại virus xâm nhập. Nguồn thực phẩm giàu vitamin C: ổi, cam, quýt, bưởi, nho, cà chua, súp lơ, củ cải, ớt chuông…
- Vitamin A và Beta-caroten: Vitamin A có trong gan động vật, lòng đỏ trứng. Beta-caroten (tiền chất của Vitamin A) có trong các loại rau và trái cây có màu vàng, cam, đỏ như: cà rốt, khoai lang, bí ngô, đu đủ, và các loại quả màu vàng, đỏ…
- Vitamin E: làm tăng khả năng miễn dịch, tham gia chuyển hóa của các tế bào, bảo vệ màng tế bào khỏi bị ôxy hóa. Thực phẩm giàu vitamin E: dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ô liu, các loại hạt và các loại rau có lá màu xanh đậm.
- Vitamin D: có nhiều vai trò khác nhau của hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Nguồn tổng hợp vitamin D là ở da dưới ảnh hưởng của bức xạ tia cực tím mặt trời B (UV-B) chiếm 80-90% và khoảng 10-20% do chế độ ăn uống. Vì thế, mỗi ngày cần tắm nắng từ 15-30 phút, tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như gan cá, lòng đỏ trứng, cá, hải sản… hoặc hỏi ý kiến bác sĩ nếu cần bổ sung vitamin D bằng thuốc uống.
- Các khoáng chất khác như: selen, sắt, kẽm cũng vô cùng quan trọng. Selen là một chất chống oxy hóa mạnh, có nhiều trong: gạo nâu, lúa mạch, cá, tôm, rong biển… Kẽm có nhiều trong các loại động vật có vỏ và hải sản như: hàu, cua... Sắt có nhiều trong: thịt đỏ, gan động vật, cải bó xôi, bông cải xanh, các loại hạt,…
- Nếu như khả năng ăn uống không đầy đủ theo khuyến cáo, có thể bổ sung thêm các chế phẩm đa vi chất dinh dưỡng theo hướng dẫn của nhân viên y tế, không nên tùy tiện mua sử dụng.
3. Uống đủ nước tùy theo nhu cầu hoạt động của mỗi người. Dịch nhu cầu bao gồm nước lọc, nước trái cây, sữa, canh, súp…
- Trẻ từ 6 tháng – 3 tuổi: khoảng 1 lít / ngày
- Trẻ từ 3 tuổi trở lên: nhu cầu dịch 1,3 lít / ngày
- Trẻ trên 10 tuổi, người trưởng thành: cần 1,6 – 2,4 lít / ngày tùy vào mức độ hoạt động nhẹ, vừa hay nặng.
Không nên chỉ chờ đến lúc khát mới uống nước vì điều này không tốt cho cơ thể. Cần chia các lần uống nước rải đều ra cho cả ngày, mỗi lần chỉ uống lượng nước vừa phải, không uống quá nhiều nước một lúc.
Các loại nước như nước ngọt có ga, các loại đồ uống có caffein không thể thay thế nước lọc.
4. Sinh hoạt hợp lý
- Tập thể dục đều đặn. Có thể chỉ cần những bài tập tại chỗ như: nhảy dây, chạy tại chỗ, tập aerobic tại nhà…
- Ngủ đủ giấc: cần duy trì thói quen ngủ sớm, đặc biệt ở trẻ nhỏ, ngủ đủ giấc để giúp cơ thể được thư giãn và nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe
5. Vệ sinh tay: rửa tay thường xuyên, tránh đưa tay lên vùng mặt. Ngoài ra còn cần chú ý vệ sinh nhà cửa, giữ môi trường thông thoáng.
6. Chủng ngừa đầy đủ: để tránh bị nhiễm các bệnh lý làm suy giảm sức đề kháng.
Hãy chia sẻ cùng chúng tôi