26/03/2020 10:09:35 SA
Người có bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) có nguy cơ tử vong cao hơn người không mắc bệnh nếu nhiễm COVID-19.
Dựa trên những số liệu đã công bố, nguy-cơ-tử-vong-30-ngày liên quan đến đến nhiễm Covid-19 tập trung cao ở những bệnh nhân trên 60 tuổi và có những bệnh nền như tim mạch, ĐTĐ, ung thư và hô hấp mãn tính [1, 2]. Cụ thể, tại Ý 99% các ca tử vong tập trung ở những người có các yếu tố nguy cơ trên, trong đó ĐTĐ chiếm 35%. Còn tại Trung Quốc, trong số các ca tử vong, người có tiền sử ĐTĐ chiếm 7.3% [3]. Tại Hoa Kì cũng được ghi nhận tương tự.
Nhìn chung, bệnh nhân (BN) mắc ĐTĐ, đặc biệt là những BN chưa kiểm soát tốt, dễ bị nhiễm trùng hơn, chẳng hạn như cúm và viêm phổi, đơn giản vì khi mức đường huyết tăng cao sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch bằng cách phá vỡ chức năng của các tế bào bạch cầu [4].
Chính vì vậy, người mắc ĐTĐ hiện nay khá lo ngại và hoang mang. Câu hỏi đặt ra là ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn tự phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, người mắc ĐTĐ cần làm thêm những gì để nâng cao sức khỏe của bản thân nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc và tử vong giữa tình hình dịch hiện nay?
Chìa khóa nằm ở việc kiểm soát đường huyết tốt
Có bệnh ĐTĐ nhưng kiểm soát đường huyết tốt sẽ ít nguy cơ hơn người không kiểm soát tốt. Nhiều nghiên cứu trước đây đã cho thấy, BN ĐTĐ nếu có biến cố “stress” như bệnh lý, viêm nhiễm, chấn thương hay phẫu thuật sẽ có tiên lượng tốt hơn nếu mức đường huyết trước bữa ăn và chỉ số HbA1C được kiểm soát tốt. Mục tiêu cho hai chỉ số này sẽ khác nhau ở từng cá thể và cần được bác sĩ đánh giá.
Vì vậy, người mắc ĐTĐ cần phải trao đổi với bác sĩ chuyên khoa của mình những câu hỏi sau:
1/ Mục tiêu đường huyết trước bữa ăn và chì số HbA1C của tôi nên là bao nhiêu thì an toàn?
2/ Tôi đã đạt mục tiêu điều trị chưa?
3/ Làm cách nào để tôi có thể thay đổi hoặc duy trì được các chỉ số?
4/ Liệu tôi đã có các biến chứng mạn của ĐTĐ hay chưa?
Dinh dưỡng lành mạnh (chiếm 80%) và vận động tích cực vừa sức (chiếm 20%) giúp kiểm soát cân nặng, kiểm soát đường huyết và có được hệ miễn dịch tốt.
Người mắc ĐTĐ cần trao đổi với bác sĩ, để có kiến thức về dinh dưỡng cơ bản cũng như dinh dưỡng cá thể hóa, từ đó có thể tự chăm sóc chủ động cho bản thân. Ngày nay, tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng bao gồm thừa những chất xấu và thiếu những chất thiết yếu là vấn nạn chung của sức khỏe cộng đồng. Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho người ĐTĐ cần đảm bảo không quá thừa calo gây tích mỡ dẫn đến tăng đề kháng insulin; cần đủ chất xơ, đủ lượng đạm tốt, đủ chất béo tốt, đủ vitamin và khoáng chất, hạn chế đường bột. Bên cạnh đó, BN ĐTĐ cần ăn đúng cữ, không bỏ bữa nhằm tránh biến cố hạ đường huyết rất nguy hiểm vì khi đó sẽ tăng nguy cơ loạn nhịp tim và nhồi máu cơ tim dẫn đến tăng nguy cơ tử vong.
Bên cạnh đó, một số thực phẩm tăng sức đề kháng mà BN ĐTĐ có thể lựa chọn bao gồm:
1. Bông cải xanh: giàu vitamin C và kháng oxy hoá.
2. Cải bó xôi: giàu các chất chống oxy hoá như flavonoids, carotenoids, vitamin C, vitamin E. Trong đó, vitamins C and E có thể giúp yểm trợ hệ miễn dịch.
3. Đậu bắp: có hiệu quả chống oxy hóa và chống mệt mỏi, và giúp tăng cường hệ miễn dịch.
4. Cá giàu chất dầu omega: cá mòi, cá salmon, v.v. rất giàu dầu omega-3 fatty acids, cũng giúp ích cho hệ thống miễn dịch.
5. Khoai lang: giàu beta carotene (nguồn vitamin A), một hoạt chất chống oxy hoá.
6. Hạt hướng dương: giàu vitamin E, có khả năng chống oxy hoá.
7. Hạt hạnh nhân: một nguồn vitamin E, có chứa manganese, magnesium, và chất xơ, rất có ích cho hệ thống miễn dịch.
8. Gừng: được biết đến như là thực phẩm kháng viên và chống oxy hoá qua nhiều nghiên cứu.
9. Tỏi: thường được dùng để chống cảm cúm và phòng ngừa vài bệnh khác, khá có hiệu quả.
10. Nghệ: cũng có thể tăng cường hệ miễn dịch vì có đặc tính kháng viêm và chống oxy hoá.
11. Trà xanh: có thể tăng cường hệ miễn dịch và giảm nhiễm khuẩn.
12. Việt quất và nho đen: là loại trái có chất anthocyanin với đặc tính chống oxy hoá, và do dó có thể tăng cường hệ miễn dịch. BN ĐTĐ một ngày dùng không quá 1 nắm tay.
11. Cam và trái kiwi: một nguồn vitamin C tuyệt vời, giúp chống cảm cúm và cải thiện hệ thống miễn dịch. Dùng không quá 1 nắm tay. Đối với nhóm trái cây, BN ĐTĐ nên ăn trực tiếp, không nên ép ra nước trái cây.
TÓM LẠI, LỜI KHUYÊN CỦA BÁC SĨ DÀNH CHO BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
1. Cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn tự phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
2. Chích ngừa đầy đủ đặc biệt là vaccine viêm phổi phế cầu và vaccine cúm.
3. Nhớ dùng thuốc theo toa bác sĩ , không nên gián đoạn việc điều trị để đảm bảo tình trạng đường huyết ổn định trong mùa dịch COVID-19.
4. Cần chắc chắn có đủ thuốc để dùng tại nhà (thuốc viên và hoặc insulin).
5. Nên có máy thử đường huyết và đủ que thử tại nhà.
6. Không bỏ bữa, không ăn trễ để tránh nguy cơ hạ đường huyết.
7. Tuân thủ bữa ăn lành mạnh và vận động tích cực.
8. Uống đủ nước.
9. Ngủ đủ 7-9 tiếng/đêm
Tác giả: Ths. Bs. Nguyễn Dạ Thảo Uyên
Tham khảo gói khám tầm soát tiểu đường và biến chứng tiểu đường của CarePlus:
Trọn gói chỉ từ 850,000đ.
Đặc biệt, ưu đãi duy nhất trong tháng 3: GIẢM 20% gói khám cho Nữ. Giá ưu đãi chỉ còn 680,000đ.
CAREPLUS CHÍNH THỨC TRIỂN KHAI DỊCH VỤ LẤY MÁU XÉT NGHIỆM TẠI NHÀ