Van tim là cấu trúc nằm giữa các buồng tim, các động mạch lớn trong tim. Có thể ví van tim giống như cánh cửa, đảm bảo máu di chuyển giữa các "căn phòng" trong tim theo một chiều nhất định. Hở van tim tức là cánh cửa này đóng không kín, làm cho có dòng máu lọt qua khe hở quay trở lại buồng tim.
24/07/2021 9:43:40 CH
Trên thực tế, khi đi khám bệnh, rất nhiều bệnh nhân nghĩ rằng mình có bệnh tim khi đọc thấy kết quả như "hở van 3 lá 1/4". Thật ra đây là một phân độ hở van tim kiểu cũ, không đánh giá chính xác mức độ nặng của hở van tim và có thể gây căng thẳng không đáng có cho bệnh nhân.
Phân loại cũ dựa trên mức độ lan xa của dòng máu qua vị trí van tim đóng không kín. Dòng hở 3/4 lan xa hơn dòng hở 1/4. Nhưng điều không ổn là dòng máu càng lan xa chưa chắc tương ứng với lượng máu hở van tim càng nhiều. Bạn có thể kiểm chứng khi dùng vòi nước tưới cây: khi bóp chặt đầu vòi nước thì dòng nước vươn ra xa hơn nhưng lượng nước tưới cho cây sẽ ít hơn khi bạn để nước chảy tự nhiên.
Hơn nữa, không phải tất cả trường hợp hở van tim đều là bệnh nặng. Ở người bình thường, hoàn toàn khỏe mạnh khi thực hiện siêu âm tim có thể phát hiện hình ảnh hở van tim mức độ nhẹ: hở van ba lá (80 – 90% bệnh nhân), hở van động mạch phổi (70 – 80% bệnh nhân), hở van hai lá (70 – 80% bệnh nhân) mà không kèm theo bất kỳ bất thường cấu trúc nào, không gây ảnh hưởng hoạt động của tim và cũng không cần điều trị gì. Giống như cánh cửa dù tốt đến đâu, khi đóng lại bạn vẫn có thể thấy ánh sáng le lói qua khe cửa. Theo Hội Siêu âm Tim Hoa Kỳ (ASE) đối với các hở van tim mức độ nhẹ kể trên thì không cần siêu âm tim hàng năm vì có thể gây lo lắng quá mức cho bệnh nhân.
Do vậy, để biết hở van tim có nghiêm trọng hay không, theo khuyến cáo hiện tại của ASE, cần phải mô tả rất kỹ lưỡng cấu trúc và tính chất di động các lá van tim, hướng của dòng phụt ngược, các bất thường cấu trúc tim kèm theo như giãn buồng tim, độ lớn của dòng phụt ngược (chính là hình ảnh vòi nước có "đầu ra" rộng hay hẹp nêu trên),...
Khi bạn có lỡ được thông báo hở van tim theo kiểu phân độ số 1/4, 2/4,... thì cũng đừng quá lo lắng mà nên tham khảo ý kiến chuyên môn của các bác sĩ tim mạch, nhất là được siêu âm tim lại với phân độ mới để có đánh giá chuẩn xác nhé.
Bài viết được tư vấn bởi Ths. BS. Hoàng Công Đương
Bài viết được tư vấn bởi THS. BS. Phùng Ngọc Minh Tấn