Nhiều người bệnh tăng huyết áp, tiểu đường,... bị cấm tuyệt đối không được ăn sầu riêng vì cho rằng sầu riêng chứa nhiều chất béo sẽ làm tăng lipid máu và khiến bệnh càng nặng thêm. Nhưng sự thật thì sầu riêng có hại đến như vậy không?
03/06/2021 3:02:27 CH
Sài Gòn đã vô mùa sầu riêng, nhiều "tín đồ" đã bắt đầu đặt mua để thưởng thức. Sầu riêng là loại trái cây có mùi vị rất hấp dẫn, "vua của các loại trái cây" như các bạn Sing, Mã, Thái phong tặng.
Hồi trước, mình đã rất nhiều lần nghe bệnh nhân nói bị "cấm" ăn sầu riêng khi đã bị tiểu đường, tăng lipid máu, tăng huyết áp vì nghe nói ăn vô làm bệnh nặng thêm. Thật ra, việc quá cực đoan trong chế độ ăn cũng chưa hẳn đem lại sự kiểm soát tốt cho sức khoẻ. Giúp bệnh nhân sống vui, sống khoẻ cũng bao gồm chuyện giúp họ có thể cảm thấy thoải mái vui vẻ trong thói quen hàng ngày. Vì cũng như mọi loại thức ăn khác, việc sử dụng với lượng hợp lý sẽ giúp chúng ta tận dụng hiệu quả ích lợi của loại trái cây này.
1. Sầu riêng có chứa chất béo, nhưng là chất béo không bão hoà
- Chất béo này là loại có lợi, giúp tăng Cholesterol "tốt", do vậy ăn sầu riêng thực sự không gây tăng lipid máu. Tuy nhiên, tính ra về mật độ chất béo thì một múi sầu riêng nhỏ có thể chứa lượng chất béo lớn, do vậy chúng ta rất dễ ăn vào nhiều calo mà không nhận ra. Đây là nguyên cớ cho việc tăng cân khi ăn nhiều sầu riêng
2. Sầu riêng chứa nhiều đường
Tạm gọi 1 múi sầu riêng là phần thịt bao quanh 1 hột. Với 3 múi như vậy, lượng đường nạp vô tương đương nửa lon coca hoặc 1 chén cơm trắng đầy. Do vậy nếu bạn đã ăn sầu riêng, nên tính toán bớt lại các thức ăn chứa tinh bột và đường khác.
3. Sầu riêng có chứa nhiều kali
Kali giúp hỗ trợ kiểm soát huyết áp khá tốt. Tuy nhiên cần thận trọng nếu bạn có bệnh thận hoặc đang dùng thuốc có tính chất giữ kali.
Một người khoẻ mạnh có thể dùng 3 múi sầu riêng/ngày để bổ sung các chất kể trên cũng như chất xơ, chất sắt, chất chống oxy hoá. Đối với người tiểu đường, bệnh thận mạn, nên giới hạn lại 1-2 múi/ngày và rất cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa nội tiết về tình trạng của mình. Nếu bác sĩ đang vất vả chỉnh liều thuốc tiểu đường, tạm thời bạn nên hạn chế dùng. Tuy nhiên, nếu bạn ăn đúng theo khuyến cáo trên mà đường vẫn tăng, ký vẫn lên, đừng vội kết tội cho sầu riêng mà cần xem lại coi có "thủ phạm" nào khác hay không nha!
Tác giả bài viết: Thạc sĩ Bác sĩ Phùng Ngọc Minh Tấn - Chuyên khoa Tim mạch Phòng khám Quốc tế CarePlus
HỆ THỐNG PHÒNG KHÁM QUỐC TẾ CAREPLUS - Thành viên Singapore Medical Group