Suy tim là đích đến cuối cùng của nhiều loại bệnh lý tim mạch và đái tháo đường là một yếu tố quan trọng cần lưu ý trong đánh giá bệnh nhân suy tim.
16/01/2024 11:25:53 SA
Đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường là suy giảm bài tiết insulin và nồng độ kháng insulin ngoại vi thay đổi dẫn đến tăng đường huyết. Triệu chứng sớm liên quan tới tăng glucose máu và bao gồm uống nhiều, khát nhiều, tiểu nhiều và nhìn mờ. Biến chứng muộn gồm bệnh mạch máu, bệnh thần kinh ngoại vi, bệnh thận và dễ nhiễm khuẩn.
Đái tháo đường và nguy cơ tiến triển Suy tim
Đái tháo đường là một yếu tố quan trọng cần lưu ý trong đánh giá bệnh nhân suy tim. Không chỉ gây xơ vữa động mạch làm hẹp/tắc mạch máu nuôi tim, đái tháo đường còn làm tăng sự xơ hóa cơ tim, phản ứng viêm và các biến đổi cấu trúc làm suy giảm chức năng của tim, dẫn tới suy tim.
Nghiên cứu gần đây công bố trên JACC thực hiện trên gần 4800 bệnh nhân suy tim chưa có triệu chứng lâm sàng (khó thở, phù chân...), trong đó có 30% bệnh nhân có bệnh đái tháo đường.
Các bệnh nhân suy tim được thành các nhóm như sau:
Qua thời gian theo dõi trung vị 7.5 năm, kết quả cho thấy nhóm bệnh nhân có tiểu đường có nguy cơ cao tiến triển sang suy tim có triệu chứng (giai đoạn C,D) so với nhóm không tiểu đường. Các bệnh nhân tiểu đường mà suy tim giai đoạn B tăng 4 lần nguy cơ tiến triển suy tim hơn so với nhóm giai đoạn A. Đặc biệt là, nhóm bệnh nhân suy tim giai đoạn B mà kiểm soát đường huyết kém (HbA1C > 7%) cũng tăng 7.6 lần nguy cơ suy tim tiến triển. Ngay cả khi kiểm soát tốt HbA1C, nguy cơ suy tim tiến triển đối với nhóm B vẫn tăng 4.6 lần.
Khó khăn khi chẩn đoán, đánh giá và theo dõi biến chứng bệnh Đái tháo đường
Việc theo dõi biến chứng tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường vẫn được thực hiện nhiều trên lâm sàng, tuy nhiên trở ngại là rất nhiều trường hợp chỉ được đo điện tâm đồ hoặc siêu âm tim cơ bản. Đánh giá điện tâm đồ chủ yếu nhắm vào bệnh mạch vành, tuy nhiên 50% các trường hợp có bệnh mạch vành vẫn biểu hiện bình thường khi đo ECG lúc nghỉ.
Với siêu âm tim cơ bản, nếu chỉ đánh giá dựa trên phân suất tống máu (EF) hay loạn động vùng rất dễ bỏ sót các biến đổi cấu trúc/chức năng của suy tim giai đoạn B. Ước tính khoảng 30-40% suy tim có EF bảo tồn >= 50% là các trường hợp có đái tháo đường. Không nhiều bệnh nhân trên lâm sàng được đánh giá chuyên sâu thêm bằng các thông số như chỉ số khối lượng thất trái (LV Mass Index), đo độ biến dạng cơ tim (strain rate), đánh giá tăng áp lực đổ đầy thất trái,v.v
Điều quan trọng nữa là, nhiều bệnh nhân đái tháo đường chưa được kiểm soát tốt HbA1C, cũng như chưa được sử dụng các thuốc được chứng minh lợi ích về tim mạch như ức chế SGLT2, đồng vận GLP1.
Suy tim là đích đến cuối cùng của nhiều loại bệnh lý tim mạch, chúng ta không nên chờ đến khi có biểu hiện rõ ràng rồi mới bắt đầu quan tâm điều trị. Suy tim có triệu chứng (giai đoạn C,D) chỉ chiếm khoảng 10% các bệnh nhân suy tim, nhưng tiên lượng sống sau 5 năm lần lượt là 75% và 20%; so với tỉ lệ > 95% của suy tim giai đoạn A/B.
Dưới góc nhìn của Tim mạch dự phòng, nghiên cứu này nhắc nhở chúng ta cần hành động sớm hơn, thăm khám kỹ lưỡng, tầm soát sức khỏe định kì. Cân nhắc dành nhiều thời gian công sức để đánh giá chuyên sâu hơn, để có thể mang lại lợi ích nhiều nhất cho bệnh nhân đái tháo đường ở giai đoạn suy tim trước khi có biểu hiện triệu chứng.
Bài viết được tư vấn bởi THS. BS. Phùng Ngọc Minh Tấn
Bài viết được tư vấn bởi THS. BS. Nguyễn Sĩ Phương Thảo
Bài viết được tư vấn bởi THS. BS. Nguyễn Sĩ Phương Thảo