17/01/2018 9:05:47 SA
Cận thị ( tên khoa học là MIOPIA) là hiện tượng rối loạn thị giác, khi đó con người chỉ có khả năng phân biệt các chi tiết nhỏ của các vật và hình ảnh nằm trong cự ly gần, cũng như chính những vật đó khi nằm ở cự ly xa sẽ được ghi nhận lại một cách lờ mờ không rõ nét. Vật càng nằm ở cự ly xa bao nhiêu thì mắt người nhìn thấy vật đó càng kém bấy nhiêu.
Tính chất vật lý của sự rối loạn khúc xạ ở bệnh cận thị rất đơn giản: Hình ảnh của vật nhìn thấy không được hội tụ trên võng mạc như mắt bình hường mà là hội tụ ở trước võng mạc, vì vậy mà người cận thị khi nhìn vật ở cự ly xa sẽ không rõ nét.
Nguyên nhân:
Cho đến nay vẫn còn một số người cho rằng làm việc phải nhìn gần nhiều sẽ dễ bị cận thị. Dẫn chứng là đối với học sinh thì cấp 3 nhiều cận thị hơn cấp 2, cấp 2 nhiều hơn cấp 1. Một dẫn chứng khác là ở người lao động trí óc hay ở những người làm việc phải nhìn gần (thợ đồng hồ, công nhân in…) thì tỉ lệ cận thị cao hơn nhiều so với những người khác.
Tuy vậy nhưng càng ngày càng có nhiều người không thừa nhận những nguyên nhân như trên. Họ cho rằng nếu các em ở cấp 3 cận thị nhiều hơn cấp 2 và cấp 2 nhiều hơn cấp 1 là vì cận thị thường bắt đầu xuất hiện sau 10 tuổi. Nói cận thị học đường, chính là ý nói cận thị phát sinh trong tuổi đương đi học, là tuổi phát triển của các em, mà không có nghĩa học đường là nguyên nhân của cận thị. Mặt khác, chúng ta cũng thấy có những trường hợp cận thị bắt đầu rất sớm (trước 8 tuổi) và phát triển đến 11 tuổi thì ngừng.
Ngày nay, người ta có xu hướng nhấn mạnh đến yếu tố di truyền; người ta có nhận xét là tỷ lệ cận thị rất thay đổi tùy theo giống người. Tỷ dụ như người Anhđiêng ở Mêhicô không bao giờ bị cận thị, dân tộc Palinêgrít ở Châu Phi tỷ lệ bị cận thị rất thấp (0.14%). Ngược lại, các giống người Anhđu (Châu Á), Đức (Châu Âu) bị cận thị khá nhiều.
Điều trị cận thị
- Kính gọng là một trong những biện pháp cần thiết để điều chỉnh tật cận thị. Tuỳ theo mức độ cận thị, bệnh nhân cần đeo kính thường xuyên hay chỉ cần đeo kính khi nhìn xa (các bác sĩ nhãn khoa sẽ tư vấn cụ thể cho từng trường hợp). Nếu bệnh nhân cận thị được chỉnh kính đúng, thích hợp tiến triển cận thị sẽ chậm hơn.
- Ngoài kính gọng bệnh nhân có thể dùng kính tiếp xúc, phương pháp này có lợi ích mỹ quan. Tuy nhiên người sử dụng phải đặc biệt thận trọng giữ vệ sinh nếu không sẽ tổn hại đến giác mạc có thể gây viêm hoặc loét giác mạc.
Đeo kính cận thị không thể làm dừng lại mức độ tăng số kính mà nó chỉ có thể điều chỉnh mức độ quang học. Nếu thị lực kém đi và cần tăng số kính cận thị có nghĩa là cận thị tiến triển (độ cận thị năng thêm).
- Vật lí trị liệu: tác động làm phục hồi chức năng điều tiết mắt, tăng cường tuần hoàn cơ thể mi, võng mạc, tăng cường trao đổi chất, tăng cường trương lực cơ như : Luyện tập điều tiết trên máy, thuốc tác động lên điều tiết, dùng sóng siêu âm, điện, điện tử, lazer năng lượng thấp.
Phẫu thuật:
– Đối với trẻ em cận thị có số kính tăng nhanh (trên 1,0 điốp/ năm) cần can thiệp phẫu thuật ghép độn củng mạc để hạn chế mức độ tăng số kính và giãn lồi củng mạc.
– Đối với bệnh nhân trên 18 tuổi có độ cận thị ổn định có thể phẫu thuật điều trị cận thị bỏ kính bằng laser excimer (Lasik), Femtosecond Laser hoặc Relex Smile.