Theo quy định tiêm chủng vaccine Covid-19 cho người có bệnh nền ổn định là đối tượng thận trọng, phải tiêm và theo dõi ở bệnh viện. Bệnh nhân có đặt stent là một trong số những đối tượng này. Tuy nhiên, một số trường hợp khi vào bệnh viện lại tiếp tục bị hoãn vì lý do chống chỉ định. Hay có người được yêu cầu ngưng thuốc đặt stent 5-7 ngày sau mới được tiêm ngừa.
10/08/2021 12:27:00 CH
Trước nhiều thắc mắc từ phía người đọc gửi về cho CarePlus, Ths-Bs Phùng Ngọc Minh Tấn, khoa Tim mạch Hệ thống Phòng khám Quốc tế CarePlus đã có những giải đáp sau đây.
SỰ THẬT LÀ....
1. Uống thuốc chống đông máu không phải là chống chỉ định của tiêm chủng
Thuốc này không tương tác nghiêm trọng gì với vaccine Covid-19 cả. Vấn đề quan tâm là nguy cơ chảy máu tại chỗ tiêm thôi. Thực tế, ngay cả bệnh nhân có rối loạn đông máu di truyền như Hemophilia vẫn không phải là chống chỉ định của vaccine Covid-19.
2. Thuốc đặt stent là thuốc chống tiểu cầu, không phải thuốc chống đông
Hơi lắt léo chữ nghĩa xíu, nhưng đại loại là vầy. Thuốc chống cục máu đông có 3 loại: thuốc tiêu sợi huyết (dành cấp cứu đột quỵ, nhồi máu cơ tim), thuốc chống đông (dạng tiêm có Heparin, Lovenox; dạng uống có Sintrom, Pradaxa, Xarelto) và thuốc chống tiểu cầu (các loại thuốc đặt stent hay uống: Aspirin, Brilinta, Plavix, Prasugrel,...).
Theo quy định sàng lọc thì "thuốc chống đông" là thận trọng tiêm chủng, chứ không phải là thuốc chống tiểu cầu. Điều này cũng đúng với thực tế là nguy cơ chảy máu giảm dần theo thứ tự sau: thuốc tiêu sợi huyết (cao nhất) > thuốc chống đông > thuốc chống tiểu cầu (thấp nhất).
3. Có cần thiết ngưng thuốc đặt stent mấy ngày để chích?
Không được, tuyệt đối không! Như đã nói, không có tương tác gì xảy ra giữa thuốc và vaccine Covid-19. Ngưng thuốc đặt stent có nguy cơ huyết khối trong stent, tỉ lệ tử vong rất cao nếu xảy ra huyết khối trong stent: 50-90%!
Người ta chỉ cân nhắc ngưng khi… PHẪU THUẬT vì nguy cơ chảy máu cao và trong trường hợp đó chỉ ngưng 1 loại, thường vẫn giữ Aspirin. Còn chích ngừa mũi kim bé xíu như kiến cắn chút đỉnh, tiêm xong đè chặt chỗ tiêm khoảng 10 phút (không day hay chà xát) là đủ. Có chảy máu cũng có thể xử lý tốt, chứ không nguy hiểm như huyết khối làm tắc cái stent.
4. Vừa uống thuốc đặt stent vừa uống thuốc chống đông thì làm thế nào?
Điều này thường xảy ra với bệnh nhân vừa đặt stent, vừa có bệnh rung nhĩ hoặc thay van tim cơ học. Nếu bạn đang dùng thuốc Sintrom, nên kiểm tra xét nghiệm INR trong vòng 72 giờ trước tiêm. Nếu kết quả đạt yêu cầu điều trị, bạn sẽ được tiêm (khi đi nên mang theo kết quả xét nghiệm).
Các loại thuốc còn lại không cần kiểm tra xét nghiệm. Uống thuốc chống đông không phải là chống chỉ định, tuy vậy, nếu bạn đang có chảy máu tự nhiên nhiều nơi: bầm máu ở cơ, khớp, chảy máu mũi, miệng, đi tiêu phân đen, ói máu,... là các trường hợp cấp tính, sẽ bị hoãn tiêm.
Vậy nên, các bệnh nhân đặt stent hãy an tâm chích vaccine Covid-19, càng sớm càng tốt. Nếu gặp trục trặc, hãy mạnh dạn kết nối bác sĩ tim mạch đang điều trị cho mình với bác sĩ khám sàng lọc để có thể có lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe của bản thân.
Hệ thống phòng khám quốc tế CarePlus cung cấp DỊCH VỤ TIÊM NGỪA TRỌN GÓI CHO TRẺ 0-6 THÁNG, bao gồm đầy đủ các loại vắc-xin cần thiết theo phác đồ tiêm chủng khuyến cáo để bảo vệ con khỏi các bệnh nguy hiểm và nhiều đặc quyền ưu đãi cho bố mẹ.
CarePlus sử dụng nguồn vắc-xin chất lượng cao, nhập khẩu trực tiếp từ các hãng sản xuất uy tín trên thế giới đã được kiểm chứng về độ hiệu quả và an toàn, và được bảo quản nghiêm ngặt bằng công nghệ hiện đại. Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hotline 18006116 (miễn cước) hoặc inbox Fanpage/Zalo CarePlus Clinic Vietnam hoặc đăng ký trực tuyến tại tại đây. Tải ứng dụng arePlus app để đặt lịch nhanh hơn và theo dõi lịch tiện lợi hơn! HỆ THỐNG PHÒNG KHÁM QUỐC TẾ CAREPLUS - Thành viên của Singapore Medical Group
|
Bài viết được tư vấn bởi Ths. BS. Hoàng Công Đương