21/07/2020 4:20:28 CH
Hiểu lầm 1: Táo bón là chuyện bình thường không có gì đáng lo
Thực tế: Táo bón cấp là chuyện bình thường và không nguy hiểm gì, nhưng nếu không phát hiện và điều trị sẽ dẫn đến tình trạng táo bón mãn tính, gây ứ phân cứng to, đau rách hậu môn kéo dài làm trẻ nín nhịn đi tiêu, lâu ngày gây tình trạng dãn trực tràng, són phân, són tiểu, biếng ăn, ảnh hưởng đến phát triển thể chất và tâm lý của trẻ
Hiểu lầm 2: Táo bón rất dễ phát hiện
Thực tế: Đa phần ba mẹ không phát hiện ra trẻ bị táo bón do bận rộn công việc và hầu hết thời gian trẻ đi học trên trường, chỉ khi trẻ đến tình trạng táo bón mãn mới phát hiện ra thông qua tình trạng ứ phân đè nén kéo dài như tiểu dầm, són phân. đau chít hẹp hậu môn...
Hiểu lầm 3: Trẻ đi tiêu mỗi ngày thì không bị táo bón
Thực tế: Đi tiêu mỗi ngày chỉ không bón khi trẻ đi tiêu không đau, phân mềm, lọn phân vừa phải. Còn đối với trẻ bị táo bón mãn, trẻ sẽ vẫn có tình trạng đi tiêu són mỗi ngày, nhưng chỉ là phân nhỏ, cứng như phân dê, hoặc són chút phân, sau đó trẻ lại tiếp tục nín nhịn đi tiêu.
Hiểu lầm 4: Trẻ bị bón cứ cho ăn nhiều rau là hết bón
Thực tế: Nếu trẻ CHƯA bị táo bón thì chế độ ăn giàu chất xơ (hòa tan) và cả không hòa tan, sẽ giúp phân mềm và tạo lọn phân đủ to để kích thích đi tiêu mỗi ngày. Còn đối với trẻ ĐÃ bị táo bón thì việc bổ sung chất xơ không đủ để cải thiện. Vì lúc này tình trạng trẻ nín đi tiêu chủ yếu do đau hậu môn, khi đó trẻ sẽ lẩn quẩn trong vòng tròn lặp đi lặp lại của tình trạng nín nhịn đi tiêu kéo dài, dẫn đến táo bón ngày càng nặng hơn. Khi đó, trẻ sẽ cần phải được điều trị tích cực bằng việc uống thuốc làm mềm phân để giúp trẻ đi tiêu dễ dàng hơn.
Hiểu lầm 5: Uống thuốc điều trị táo bón rất nguy hiểm và chỉ cần uống vài ngày là đủ
Thực tế: Mục tiêu của điều trị táo bón là thiết lập lại thói quen đi tiêu hằng ngày, hạn chế sự nín nhịn đi tiêu của trẻ. Vì vậy, việc điều trị táo bón cần thời gian kéo dài (khoảng 6 tháng) nên rất cần sự kiên nhẫn và hợp tác của ba mẹ. Một số thuốc nhuận tràng làm mềm phân hiện tại đã được chứng minh an toàn cho trẻ khi dùng kéo dài và được các Hiệp Hội Uy Tín về Tiêu Hóa trên thế giới tại các nước tiên tiến cho phép sử dụng lâu dài. Nên ba mẹ cứ yên tâm hợp tác điều trị táo bón cho con với bác sĩ chuyên khoa.
Tác giả: BS. CK1. Lại Thị Bích Thủy - Chuyên khoa Nhi PK CarePlus
Tài liệu tham khảo:
- Constipation: RCH – patient education
- Constipation: UpToDate – patient education
Bố mẹ có thể đăng ký khám táo bón cho trẻ TẠI ĐÂY.
LH free hotline 18006116 để được tư vấn chi tiết.
Bài viết được tư vấn bởi Ths. BS. Lê Thị Kim Dung