Cảm giác hồi hộp khi xem bóng đá, nhất là những trận bóng kịch tính của đội mình yêu thích, không chỉ là sự tận hưởng niềm thích thú đối với người xem, mà còn được ví như “chất kích thích” giúp cảm xúc vỡ oà khi đội yêu thích ghi bàn hay chiến thắng. Tuy nhiên, hãy cảnh giác! Bởi cảm xúc mạnh này có thể trở thành nguy cơ nhồi máu cơ tim không phải ai cũng biết!
15/07/2021 12:18:35 CH
Năm 1998, đội tuyển Anh dừng bước tại tứ kết World Cup với thẻ đỏ của Beckham. Các fan bóng đá ở Anh sốc nặng. Đồng thời, số bệnh nhân nhập viện vì nhồi máu cơ tim cấp tăng 25% so với thường ngày. Năm 2006, nghiên cứu tại Đức đăng trên NEJM cho thấy tỉ lệ biến cố tim mạch trong mùa World Cup ở Đức tăng 2.66 lần so với thời điểm năm 2003, 2005. Hàng loạt bài báo đăng về các trường hợp cấp cứu tim mạch khi Brazil thua thảm Đức 1-7 ngay tại sân nhà Belo Horizonte năm 2014.
Việc theo dõi một trận bóng đá của đội nhà có thể gây ra căng thẳng cho người xem. Nghiên cứu tại Canada cho thấy nhịp tim của khán giả xem hockey tăng đến 75%, trong khi đó xem bóng đá có thể tăng đến 110%, có thể xem như tương đương với lúc chạy bộ tập thể dục. Những tình huống trên sân như thẻ đỏ, penalty, bàn thắng phút cuối, v.v. có thể gây tăng huyết áp đột ngột do xúc động. Tim đập nhanh hơn, nhu cầu oxy của cơ thể cao hơn, đồng thời stress cảm xúc này có thể gây co mạch là các lý giải về các yếu tố góp phần vào các biến cố tim mạch xảy ra.
Tuy nhiên, điều đó có đồng nghĩa với việc bạn nên nhập viện rồi coi tivi cho chắc không? Dĩ nhiên là không đến nỗi vậy rồi. Nghiên cứu tại Đức nêu trên ghi nhận 47% các ca nhập viện là có tiền căn tim mạch trước đó. Coi đá banh có thể chỉ là giọt nước làm tràn ly khi người xem vốn dĩ đã có bệnh tim mạch từ trước, đặc biệt là nếu không được kiểm soát tốt. Nếu bệnh nền không ổn định, việc xem bóng đá cũng giống như khi vận động gắng sức, hoàn toàn có thể là yếu tố thúc đẩy các biến cố tim mạch xảy ra. Nhất là trong mùa Euro, World Cup, các fan thường thức khuya, mất ngủ, ăn uống không điều độ, lạm dụng rượu, bia, cà phê, không tập thể dục, quên uống thuốc...
Tóm lại, các nghiên cứu đúng là có ghi nhận số liệu nhồi máu cơ tim tăng trong mùa giải bóng đá quan trọng. Stress cảm xúc có thể là một yếu tố ảnh hưởng, tuy vậy, không phải ai cũng đều nhập viện mà cần chú ý ở người có bệnh tim mạch từ trước hoặc có nhiều yếu tố nguy cơ không kiểm soát tốt. Nếu bạn muốn tận hưởng trọn vẹn thêm nhiều mùa Euro, World Cup nữa, ngay từ lúc này đừng bỏ qua các đợt kiểm tra sức khoẻ, duy trì chế độ ăn uống và tập thể dục đều đặn hơn bạn nhé.
Bài viết được tư vấn bởi Ths. BS. Hoàng Công Đương