Bạn có biết: Đôi mắt của chúng ta chớp ít hơn 60% khi tập trung làm việc, nhìn vào máy tính nhiều, môi trường máy lạnh hanh khô hay đeo kính áp tròng là những nguyên nhân phổ biến dẫn tới tình trạng khô mắt. Các bác sĩ nhãn khoa thường nói vui đây là “bệnh nghề nghiệp” của nhân viên văn phòng do việc sử dụng máy tính liên tục ở cường độ cao. Vì vậy hãy cùng CarePlus theo dõi biện pháp hạn chế tình trạng khô mắt cho dân văn phòng hiệu quả tránh biến chứng nguy hiểm.
06/06/2022 9:49:29 SA
1. Khô mắt – Hội chứng phổ biến chốn công sở
Theo nghiên cứu, khoảng 60% nhân viên văn phòng mắc các bệnh lý về mắt, chủ yếu là khô mắt. Nguyên nhân do 70% thời gian làm việc gắn liền với máy tính. Tập trung cao độ trong thời gian dài, những người thường xuyên làm việc trên máy vi tính bị giảm tần số chớp mắt (tần số bình thường 12-14 lần mỗi phút). Điều này khiến màng phim nước mắt mất ổn định hoặc bị phá hủy, gây ra chứng khô mắt.
Ngồi trong phòng điều hòa thường xuyên cũng gây khô mắt, vì trong máy lạnh có bộ phận hút ẩm khiến bầu không khí trong phòng lạnh rất khô, nước mắt bốc hơi nhanh hơn. Hai yếu tố đó kết hợp làm gia tăng triệu chứng khô mắt và nhức mắt.
2. Phòng triệu chứng khô mắt cho dân văn phòng
Để phòng tránh bệnh khô mắt, những người làm việc nhiều trên máy tính nên uống nhiều nước, tránh ngồi ngay luồng gió bay ra của máy điều hòa và quạt gió, nhắm mắt lại vài giây khoảng 30 phút một lần để nước mắt tráng đều qua giác mạc. Khi thấy mắt có dấu hiệu nhức, mỏi, khô, rát người bệnh nên đến khám sớm.
2.1. Lưu ý trong sinh hoạt
– Không nên nhìn quá lâu vào màn hình máy tính.
– Tắt điện thoại khi nghỉ ngơi.
– Hạn chế đeo kính áp tròng.
– Tạo độ ẩm trong văn phòng.
– Thuốc nhỏ mắt có thể làm giảm tình trạng khô mắt một cách tạm thời. Nhưng nếu bạn nhỏ thuốc 4 lần/ngày mà tình trạng khó chịu ở mắt vẫn không giảm thì bạn nên gặp bác sĩ.
2.2. Thực phẩm chống khô mắt
Bổ sung các loại thực phẩm tốt cho mắt như:
– Vitamin A: có trong gan gà, vịt, heo, cá, trứng gà, trứng vịt lộn, cá chép, sữa…
– Các loại chứa -carotene: các loại trái cây và củ có màu vàng hay đỏ: gấc, cà rốt, đu đủ, bí đỏ, cà chua… Nó còn có trong rau có màu xanh đậm như: rau bồ ngót, dền, bông cải xanh, cải bẹ xanh, mồng tơi, rau muống.
– Vitamin C: bổ sung đầy đủ vitamin C từ các loại hoa quả thực phẩm như: cam, chanh, quýt, bưởi, dâu tây, ổi, nho, thơm, mãng cầu xiêm, măng cụt. Nó còn có trong rau như: mồng tơi, cải bẹ trắng, ớt, hành, cà chua.
– Vitamin E: gồm các loại dầu đậu nành, hướng dương, mè, đậu phộng, mầm các loại đậu (giá đậu xanh). Nó có trong các loại hạt, măng tây, sữa, gan động vật và đặc biệt là mỡ cá.
– Thực phẩm giàu lutein: gồm ngô, cải bó xôi, cải xoăn, trứng các loại.
– Thực phẩm giàu selen: gồm các hải sản như: cá, tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến. Nó cũng có một ít trong trứng, dầu hướng dương, dầu mè.
Ngoài chế độ sinh hoạt và ăn uống điều độ, bạn nên chủ động thăm khám mắt định kỳ thường xuyên để được bác sĩ tư vấn chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về mắt hiệu quả.