18/07/2025 3:49:47 CH
RAU XANH RẤT TỐT NHƯNG KHÔNG NÊN “ĐƠN ĐỘC” TRONG CUỘC CHIẾN VỚI TÁO BÓN.
“Em đã cố gắng cho bé ăn rất nhiều rau rồi, mà con vẫn táo bón hoài, không hiểu vì sao!” – Đây là lời than phiền quen thuộc từ nhiều phụ huynh khi đến khám chuyên khoa tiêu hóa nhi tại Hệ thống phòng khám Quốc Tế CarePlus.
Táo bón không đơn thuần chỉ là do thiếu rau hay thiếu chất xơ. Hiểu đúng – không chỉ “cố gắng cho ăn rau” – mới là chìa khóa để cải thiện táo bón cho trẻ một cách hiệu quả.
Ba mẹ ơi, hãy cùng ThS. BS. Sử Thị Như Ngọc tìm hiểu về những phương pháp đúng để giúp trẻ cải thiện tình trạng tiêu hóa hiệu quả nhé!
1. Chất xơ và vai trò trong tiêu hóa
Chất xơ là phần không tiêu hóa của thực phẩm thực vật, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhu động ruột và duy trì sức khỏe đường tiêu hóa.
- Chất xơ hòa tan: hòa tan trong nước, tạo thành dạng gel trong ruột, làm mềm phân và dễ đại tiện hơn. Các thực phẩm giàu chất xơ hòa tan thường gặp: yến mạch, mận, táo, lê, cà rốt, bí đỏ, chuối chín, bơ…
- Chất xơ không hòa tan: không tan trong nước, tăng thể tích phân, kích thích nhu động ruột. Nguồn chất xơ không hòa tan điển hình bao gồm: cám lúa mì, các loại rau xanh và vỏ trái cây như rau muống, cải bó xôi, rau dền, bánh mì nguyên cám, khoai lang luộc…
- Một chế độ ăn đầy đủ chất xơ nên cung cấp cả hai loại: chất xơ hòa tan và không hòa tan. Theo khuyến nghị dinh dưỡng chung, tỷ lệ lý tưởng giữa chất xơ không hòa tan và hòa tan là khoảng 2:1. Tuy nhiên, trong giai đoạn điều trị táo bón chức năng, nên tăng cường chất xơ hòa tan hơn theo tỷ lệ 1:1 để giúp làm mềm phân và hỗ trợ lợi khuẩn đường ruột.
2.Nhu cầu chất xơ theo tuổi – con số không thể đoán mò
Theo Viện Y học Hoa Kỳ (Institute of Medicine - IOM) nhu cầu chất xơ theo tuổi:
- Trẻ 1–3 tuổi: 19g/ngày
- Trẻ 4–8 tuổi: 25g/ngày
- Trẻ 9–13 tuổi: 26g (nữ), 31g (nam)/ngày
- Trẻ 14–18 tuổi: 29g (nữ), 38g (nam)/ngày
Rất nhiều trẻ em chỉ đạt được 40–60% lượng khuyến nghị, dù “ăn nhiều rau” theo cảm nhận của người lớn.
3. Rau xanh không phải là “chất xơ toàn năng”
- Không phải loại rau nào cũng chứa nhiều chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan - loại có vai trò chính trong làm mềm phân.
- Nhiều loại rau chỉ cung cấp chất xơ không hòa tan, giúp tăng thể tích phân nhưng không giữ nước, có thể khiến phân khô hơn nếu không uống đủ nước.
- Chế độ ăn “nhiều rau” nhưng thiếu đa dạng (không có đậu, trái cây, ngũ cốc nguyên cám…) vẫn có thể thiếu hụt chất xơ tổng thể hoặc mất cân bằng loại chất xơ, thiếu chất xơ hoà tan.
4. Không chỉ chất xơ – những yếu tố bị bỏ quên
- Uống ít nước: chất xơ, đặc biệt là loại không hòa tan, cần nước để làm mềm phân. Uống ít nước khi ăn nhiều chất xơ có thể làm tình trạng táo bón nặng thêm.
- Ít vận động: hoạt động thể chất giúp kích thích nhu động ruột. Trẻ ngồi lâu, ít chạy nhảy dễ bị táo bón dù ăn uống hợp lý.
- Thói quen đại tiện xấu: nhịn đi tiêu, không được tập thói quen đại tiện đúng giờ.
- Yếu tố tâm lý: căng thẳng, sợ đau, sợ nhà vệ sinh công cộng – ảnh hưởng đáng kể đến thói quen tiêu hóa của trẻ.
- Nguyên nhân thực thể (ít gặp): dị ứng đạm sữa bò, rối loạn cơ sàn chậu, bệnh Hirschsprung...
5. Vậy phụ huynh nên làm gì?
- Không chỉ “tăng rau” mà cần:
+ Bổ sung chất xơ hòa tan từ trái cây, các loại đậu, yến mạch
+ Khuyến khích uống đủ nước, đặc biệt trong các bữa có nhiều chất xơ
+ Tập thói quen vận động thể lực hàng ngày
+ Tạo thói quen đi tiêu đều đặn hàng ngày, không gây áp lực
+ Tham khảo bác sĩ nếu trẻ táo bón kéo dài, són phân hoặc sợ đi tiêu
Lời khuyên từ ThS. BS. Sử Thị Như Ngọc dành cho ba mẹ khi chăm sóc trẻ bị táo bón: “Chất xơ là một phần quan trọng trong chế độ ăn, nhưng không phải yếu tố duy nhất quyết định việc đi tiêu của trẻ. Hiểu đúng loại chất xơ, kết hợp đủ nước, vận động và tâm lý phù hợp mới là giải pháp toàn diện giúp phòng ngừa và điều trị táo bón hiệu quả”.