Hiện gần 90% người trên 18 tuổi tại TP. HCM đã được tiêm vắc-xin COVID-19 mũi 1, một số người đã hoàn thành đủ 2 mũi. Bên cạnh đó, không ít người người đã từng bị nhiễm bệnh COVID-19 và hồi phục. Một trong những vấn đề mà nhóm đối tượng trên quan tâm là không biết mình đã có đủ kháng thể bảo vệ để sẵn sàng sống chung với dịch bệnh, trước kế hoạch “mở cửa từng bước, đưa TP HCM trở lại trạng thái bình thường mới” hay chưa?
09/09/2021 11:03:52 SA
Khi nhiễm bệnh (tiếp xúc với virus SARS-COV-2), hoặc khi tiêm vaccine COVID-19 (tiếp xúc với một thành phần của virus), cơ thể con người sẽ có phản ứng chống đỡ, kích hoạt hệ thống bảo vệ trong cơ thể mà chúng ta gọi chung là miễn dịch.
Kháng thể là một thành phần quan trọng của hệ miễn dịch. Thông thường, kháng thể bắt đầu hình thành sớm sau khi tiếp xúc với virus, đến khoảng 2 tuần có thể phát hiện trong máu, tăng nhiều dần và duy trì trong một thời gian dài, để giúp bảo vệ cơ thể chống lại virus ở những lần tiếp xúc sau đó.
Tuy nhiên, hầu hết với mọi người, kháng thể sẽ suy giảm theo thời gian. Người có miễn dịch kém (như người già, đang uống thuốc ức chế miễn dịch, ghép tạng, bị ung thư đang điều trị, HIV đang tiến triển…) thì lượng kháng thể suy giảm nhanh hơn. Ngược lại người trẻ tuổi khỏe mạnh, lượng kháng thể bảo vệ tồn tại lâu và bền vững, cũng có nghĩa là khả năng bảo vệ chống COVID-19 kéo dài hơn sau tiêm vaccine hoặc sau nhiễm virus.
Nếu đã từng tiêm ngừa viêm gan B, bạn có thể biết rằng BS sẽ dựa vào trị số định lượng kháng thể bề mặt anti-HBs để khuyên bạn có cần tiêm ngừa hay không. Cụ thể WHO và các hiệp hội y khoa thống nhất rằng nếu mức kháng thể anti-HBs nhiều hơn 10 U/mL thì vẫn còn miễn dịch bảo vệ. Nếu kháng thể giảm xuống dưới 10 U/mL thì nên tiêm ngừa lại.
Quay trở lại với xét nghiệm kháng thể COVID-19, nếu một người chưa từng tiếp xúc virus, cơ thể không sinh ra kháng thể thì kết quả xét nghiệm định lượng kháng thể COVID-19 sẽ “ÂM TÍNH”. Trong trường hợp cơ thể đã sinh ra kháng thể (do tiếp xúc virus hoặc do tiêm ngừa vaccine), kết quả xét nghiệm định lượng kháng thể COVID-19 sẽ phản ánh bằng một chỉ số (ví dụ 100 U/mL). Chỉ số định lượng này cao hay thấp, chứng tỏ cơ thể có ít hay nhiều kháng thể bảo vệ. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, dữ liệu nghiên cứu trên thế giới chưa đủ để có thể xác định một ngưỡng giá trị cụ thể và khẳng định đó là mức kháng thể có tính bảo vệ chắc chắn.
Như vậy có thể hiểu rằng, không thể chỉ dựa vào một mình xét nghiệm kháng thể COVID-19 để kết luận đầy đủ về miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại COVID-19. Thay vào đó, Kháng thể COVID-19 nên được xem là chỉ số phản ánh phần nào tình trạng miễn dịch bảo vệ, và cần được xem xét cùng lúc với những yếu tố khác của người bệnh, như tiền sử bệnh lý, tình trạng cân nặng, chức năng gan, thận, huyết học, tim mạch, phổi.., cùng với tình trạng tiêm ngừa Covid-19. Dựa vào tổng thể các thông tin đó, BS mới có thể tư vấn về tình trạng sức khỏe chung cũng như khả năng bảo vệ phòng tránh nhiễm Covid-19 của mỗi người.