05/04/2021 8:55:33 SA
Tác giả: Bác sĩ Chuyên khoa 1 Nhi khoa LẠI THỊ BÍCH THỦY - Phòng khám Quốc tế CarePlus
Ngày 02 tháng 4 hàng năm được Liên Hiệp Quốc chọn là ngày ‘Thế giới nhận thức về tự kỷ’ nhằm kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng cho những người mang khuyết tật này. Tự kỷ hay còn gọi là Rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) là sự rối loạn phát triển chức năng của não bộ, dẫn đến các hậu quả sau:
- Khiếm khuyết về mặt giao tiếp xã hội
- Khiếm khuyết về giao tiếp
- Bất thường về hành vi
Tự kỷ không phải là hiếm gặp, tỉ lệ trẻ có dấu hiệu RLPTK ngày càng tăng. Theo thống kê tại Mỹ 2016 cho thấy cứ 54 trẻ bình thường thì có 1 trẻ được phát hiện có dấu hiệu RLPTK. Tuy nhiên tại Việt Nam chưa có thống kê rõ ràng.
Mặc dù chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể, nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy có yếu tố di truyền tham gia và có thể liên quan đến tác động môi trường trong giai đoạn bào thai.
Dấu Hiệu Sớm Nhận Biết Trẻ Tự Kỷ?
Các dấu hiệu cảnh báo:
- Trẻ có vẻ không nhìn vào mắt khi được nói chuyện, chơi đùa
- Kém đáp ứng với âm thanh, lời nói, gọi tên không nhìn, không quay đầu, không trả lời
- Chậm phát triển ngôn ngữ: chậm nói theo lứa tuổi, nói không hiểu
- Không thích giao tiếp hoặc chơi đùa cùng trẻ đồng trang lứa hay người chăm sóc
- Không chấp nhận và giận dữ có sự thay đổi trong thói quen sinh hoạt hằng ngày
- Trẻ không chỉ ngón tay vào các vật yêu thích khi đã trên 15-18 tháng tuổi
- Không nhìn vào các sự vật khi người khác chỉ cho bé
- Có từ, câu nói hoặc hành vi bất thường lặp đi lặp lại trong hoàn cảnh không phù hợp
- Thích chơi một vài trò chơi lặp đi lặp lại như thích chơi với các hình khối cùng màu duy nhất
- Tăng động, kém tập trung, thích làm những việc nguy hiểm
- Chậm phát triển theo các mốc phát triển sinh lý
RLPTK Có Trị Được Không?
Hiện tại chưa có phương pháp nào điều trị tận gốc RLPTK. Tuy nhiên việc phát hiện sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự tiến bộ của trẻ. Nếu được phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ giúp một số trẻ bắt kịp các mốc phát triển và hòa nhập với xã hội. Đồng thời, giúp định hướng sớm cho ba mẹ cách chăm sóc và giáo dục sao cho hiệu quả nhất ở trẻ có RLPTK.
Làm Sao Để Phát Hiện Sớm RLPTK?
RLPTK có thể được phát hiện từ lúc trẻ 18 tháng tuổi và can thiệp sớm. Phụ huynh nên cho trẻ khám tầm soát nếu:
- Trẻ không đạt các mốc phát triển trong từng tháng ở năm đầu đời như chậm lật, bò, ngồi, không phản ứng với tiếng động, tiếng gọi của mẹ
- Trẻ có các dấu hiệu cảnh báo nêu trên
RLPTK Là Đứa Trẻ Nào Cũng Chậm Phát Triển Trí Não?
Câu trả lời là không hoàn toàn. Có những trẻ RLPTK vẫn rất thông minh, học tập bình thường nhưng chỉ khiếm khuyết về mặt giao tiếp xã hội. Trẻ bị RLPTK vẫn là những công dân có ích nếu được phát hiện và can thiệp kịp thời. Các nhà Bác Học nổi tiếng như Charles Darwin, Issac Newton hay Mozart - Nhà soạn nhạc tài ba cũng là những người mắc RLPTK nhưng vẫn sống và cống hiến cho nhân loại.
Vì thế, trẻ có RLPTK phải được yêu thương và giúp đỡ vì họ ‘ĐẶC BIỆT” chứ không ‘KHÁC BIỆT’.
Tài liệu tham khảo: Autism Spectrum Disorder - CDC - America
Để phát hiện sớm các biểu hiện nguy cơ của RLPTK, ba mẹ có thể đưa con đến CarePlus khám và tư vấn trực tiếp với Bác sĩ.