Chảy máu cam một triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ. Nhất là trẻ mầm non có thể bị ít nhất một lần, thường không nguy hiểm nhưng thường làm các ba mẹ rất lo lắng. Hãy cùng BS. CK1. Trần Thị Tú Hằng - Chuyên khoa Nhi - Hệ thống phòng khám CarePlus tìm hiểu kỹ hơn về nguyên nhân cũng như xử lý khi bị chảy máu cam đúng cách nhé!
16/12/2024 9:30:17 SA
Nguyên nhân gây chảy máu cam ở trẻ?
Chảy máu cam có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân:
Cảm lạnh, nhiễm trùng vùng mũi họng hay dị ứng có thể làm niêm mạc mũi phù nề và kích thích dễ chảy máu.
Chấn thương: do thói quen hay ngoáy mũi, dụi mũi, nhét dị vật vào mũi hay xì mũi quá mạnh hoặc va chạm mũi vào vật khác như bị quả bóng hay té ngã đập vào mũi
Độ ẩm không khí thấp, thời tiết hanh khô hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói độc.
Bất thường về giải phẫu hoăc có phát triển mô bất thường bên trong mũi như u, polyp (thường lành tính)…
Rối loạn đông máu: bất kì yếu tố nào cản trở quá trình đông máu đều có thể gây chảy máu cam như sử dụng thuốc hay các bệnh lí thiếu hụt yếu tố đông máu, giảm tiểu cầu…
Bệnh lí mạn tính uống thuốc kéo dài hoặc cần thở oxy
Sơ cứu khi trẻ bị chảy máu cam thế nào?
Có nhiều quan niệm dân gian sai lầm về cách xử trí khi trẻ bị chảy máu cam. Sau đây là những việc NÊN VÀ KHÔNG NÊN làm khi trẻ chảy máu cam:
NÊN:
Giữ bình tĩnh: người chăm sóc khi thấy trẻ chảy máu cam thường rất lo lắng hoảng sợ nhưng chảy máu cam thường hiếm khi nghiêm trọng, nên cần giữ bình tĩnh để trẻ không sợ hãi khi có chảy máu cam.
Giữ trẻ ở tư thế đứng hoặc ngồi, nghiêng(cúi) đầu về phía trước.
Dùng ngón trỏ và ngón cái bóp chặt 2 bên cánh mũi (phần chóp mũi mềm) “ĐỦ” 10 phút, không thả tay trong thời gian này để kiểm tra xem có còn chảy hay không. Sau 10 phút thả tay ra xem máu có ngừng chảy chưa. Nếu vẫn còn chảy thì lặp lại lần nữa.
KHÔNG NÊN:
Hoảng loạn: sẽ làm cho trẻ sợ hãi. Khóc có thể làm tình trạng chảy máu nhiều hơn.
Cho trẻ nằm hay ngửa đầu ra sau Tư thế này làm chảy xuống họng gây khó chịu, kích thích ho và nôn.
Nhét gòn, gạc, khăn giấy hay bất kì vật gì vào mũi để cầm máu.
Trẻ bị chảy m nào cần đi khám bác sĩ?
Không cầm máu sau khi áp dụng các biện pháp sơ cứu 20 phút
Chảy máu thường xuyên tái đi tái lại nhiều lần
Máu chảy nhanh nhiều
Chảy máu cam sau chấn thương
Trẻ xanh xao, vã mồ hôi hoặc không phản ứng.
Chảy máu ra từ miệng hoặc ho/ nôn ra máu hoặc dịch nôn giống bã cà phê.
Nghi ngờ đã nhét thứ gì đó vào mũi
Dễ bị bầm tím da hoặc chảy máu nhiều dù do vết thương nhỏ
Gần đây đã bắt đầu sử dụng một loại thuốc mới
Phòng ngừa chảy máu cam cho trẻ thế nào?
Giữ cho niêm mạc mũi được ẩm: dùng nước muối sinh lí nhỏ hoặc xịt mũi giúp làm ẩm niêm mạc mũi, nhất là với các trẻ thường xuyên bị cảm, viêm mũi họng, ngạt mũi, dị ứng mũi
Uống đủ nước
Tránh va chạm chấn thương
Dùng máy phun sương làm ẩm không khí (ở vùng lạnh hoặc mùa lạnh độ ẩm không khí thấp), thường xuyên vệ sinh máy tránh vi khuẩn và nấm mốc.