Bệnh hô hấp là một trong bệnh lý trẻ nhỏ dễ mắc phải. Nhất là vào thời điểm cuối năm chuyển lạnh, nhiệt độ xuống thấp là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, vi rút gây các bệnh về đường hô hấp phát triển và tấn công trẻ em có sức đề kháng yếu. Vì vậy, ba mẹ nên lưu ý các triệu chứng và và xử trí điều trị các bệnh lý tai mũi họng cho trẻ đúng cách để tránh dẫn tới các biến chứng.
06/01/2023 2:47:52 CH
Theo TTƯT. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, “Do đặc điểm đường thở của trẻ nhỏ ngắn và hẹp nên dễ tiếp xúc mầm bệnh hơn. Đặc biệt là trẻ em có hệ miễn dịch còn non nớt nên sức đề kháng yếu, dẫn đến trẻ em không đủ sức chống đỡ với sự tấn công của các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài.
Cũng theo BS Dũng, có hai nhóm bệnh chính mà trẻ thường mắc phải là bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính (như viêm hô hấp trên, viêm mũi, viêm phổi), các bệnh dị ứng đường hô hấp (như viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng, hen suyễn, viêm họng, viêm tai giữa). Cha mẹ có thể phát hiện sớm các bệnh lý tai mũi họng của trẻ qua một số biểu hiện sau:
- Trẻ phải thở bằng miệng nên họng khô, rát. Chất nhầy của mũi chảy xuống họng làm cho trẻ vướng họng hay ho và hay bị trớ.
- Tiếng nói không được rõ các phụ âm M, N (M đọc thành B và N đọc thành Đ), trẻ nói giọng đặc biệt gọi là giọng mũi tắc.
- Ngạt tắc mũi cũng hay gây ra tắc vòi tai, nên trẻ có thể bị nghễnh ngãng và ù tai, gọi trẻ lúc nghe được lúc không, học sẽ sút kém.
- Nếu viêm mũi họng do vi khuẩn, dịch mũi có màu vàng xanh, ngày càng đặc dần. Biểu hiện hay gặp ở trẻ em là hiện tượng "thò lò mũi xanh". Sau vài ba ngày đến một tuần, nếu không điều trị kịp thời sẽ xuất hiện triệu chứng viêm mũi họng cấp như sốt, ngạt tắc mũi, ho có đờm vàng xanh... hoặc viêm tai giữa (trẻ quấy khóc, sốt cao, kêu đau tai thậm chí chảy mủ tai...).
PGS. TS. BS Phạm Thị Bích Đào - Giảng viên cao cấp bộ môn Tai Mũi Họng Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ cho ba mẹ cách phòng tránh bệnh lý tai mũi họng cho trẻ như sau:
- Đeo khẩu trang cho trẻ mỗi khi ra đường, vì môi trường Việt Nam hiện tại bị ô nhiễm nặng nề do bụi xây dựng, xăng, hoá chất...
- Hạn chế đưa trẻ vào những chỗ đông người, vì dễ làm cho trẻ bị lây nhiễm khi cơ thể chưa đủ sức đề kháng.
- Giữ ấm vùng cổ, ngực và bụng cho trẻ khi trời lạnh.
- Tránh để trẻ ở những nơi có gió lùa.
- Nên đi khám để trẻ được điều trị sớm các triệu chứng của mũi họng. Điều trị tốt các ổ viêm nhiễm ở mũi họng, răng miệng
- Ba mẹ cần biết cách nhỏ mũi cho trẻ, hướng dẫn đúng cho trẻ cách xì mũi để không đẩy mủ và vi trùng lên tai giữa hoặc vào xoang.
- Không nên bơm rửa mũi nhiều hoặc xì mũi mạnh nhất là đối với trẻ em vì nếu thực hiện không đúng động tác này, vô tình có thể đưa vi khuẩn vào tai hoặc vào xoang, hoặc xuống phế quản..
Lưu ý thêm, nếu điều trị các triệu chứng này không đúng, như việc dùng thuốc giảm ho loại ức chế trung tâm hô hấp, sẽ làm mất khả năng bảo vệ phổi của trẻ qua phản xạ ho tống dịch ra ngoài, dẫn đến các biến chứng như: Viêm phế quản, viêm phổi… Cần phải theo dõi cẩn thận nếu thấy xuất hiện các triệu chứng biểu hiện của bội nhiễm vi khuẩn như: Nước mũi vàng xanh, hơi thở hôi… phải dùng kháng sinh kịp thời. Tốt nhất cha mẹ nên cho trẻ đi khám ngay mỗi khi trẻ bị bệnh để có được lời khuyên chính xác. Phải tuyệt đối tin tưởng và làm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Tại phòng khám quốc tế CarePlus uy tín và chuyên nghiệp, ba mẹ có thể yên tâm đưa bé đến thăm khám sức khỏe định kỳ cho trẻ. Ngoài các dịch vụ khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, đội ngũ bác sĩ nhi khoa dày dặn kinh nghiệm sẽ trực tiếp tư vấn, hướng dẫn cách chăm sóc trẻ khoa học tại nhà, cách phòng ngừa các bệnh lý hay gặp,... Từ đó giúp cha mẹ chủ động biết cách giúp con mình có được sự chăm sóc toàn diện về thể chất và tinh thần.
Nguồn thông tin: Suckhoedoisong.vn
Bài viết được tư vấn bởi BS. CK1. Trần Thị Hoàng Oanh