Việc điều trị hen suyễn tối ưu ở trẻ em phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm độ tuổi, mức độ nghiêm trọng và tần suất các cơn hen xảy ra và tuân thủ dùng thuốc. Trong hầu hết các trường hợp, thuốc có thể kiểm soát các triệu chứng, cho phép trẻ tham gia đầy đủ vào mọi hoạt động, bao gồm cả thể thao.
06/11/2024 2:09:08 CH
Hen suyễn là một bệnh hô hấp phổ biến ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Theo Uptodate 2024, bệnh ảnh hưởng đến khoảng 6,5 phần trăm trẻ em dưới 18 tuổi. Dưới 15 tuổi, hen suyễn phổ biến hơn ở nam giới so với nữ giới. Bệnh được đặc trưng bởi tình trạng hẹp đường thở trong phổi.
Các triệu chứng của bệnh bao gồm thở khò khè, ho, tức ngực và khó thở. Các triệu chứng này có xu hướng xuất hiện rồi biến mất và liên quan đến mức độ hẹp đường thở trong phổi.
Nhiều yếu tố khác nhau có thể khởi phát các triệu chứng ở những người bị hen suyễn. Yếu tố di truyền, bệnh truyền nhiễm và môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn
YẾU TỐ NGUY CƠ:
Nhiễm trùng đường hô hấp trên — Nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus (cảm lạnh ) là tác nhân gây hen suyễn phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các bệnh nhiễm do virus phổ biến nhất bao gồm rhinovirus (virus gây ra hầu hết các bệnh cảm lạnh), virus hợp bào hô hấp ( RSV) và virus cúm.
Điều kiện môi trường : Không khí lạnh, thay đổi áp suất khí quyển, mưa hoặc gió có thể làm tăng các triệu chứng hen suyễn .Ô nhiễm, bao gồm khói thải và các hạt vật chất, cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự.
Tiếp xúc với khói thuốc lá: Tiếp xúc với khói thuốc lá trong thời kỳ mẹ mang thai và trong suốt thời thơ ấu làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn.
Tiền sử gia đình: Trẻ em có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc một số bệnh liên quan chẳng hạn như hen suyễn, dị ứng hoặc bệnh chàm, có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao hơn.
Nếu dị ứng có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng, xét nghiệm da hoặc máu có thể được khuyến nghị. Điều này có thể giúp xác định cả tác nhân gây bệnh và xác định sự cần thiết phải tránh chúng.
Căng thẳng stress: Các sự kiện tiêu cực nghiêm trọng trong cuộc sống ở trẻ em làm tăng nguy cơ lên cơn hen suyễn trong vài tuần tiếp theo.
Vận động thể dục : Tình trạng hẹp đường thở có thể được kích hoạt bởi tập thể dục.Tuy nhiên các đợt hoạt động ngắn có xu hướng được dung nạp tốt hơn so với các bài tập kéo dài. Khi được điều trị thích hợp, trẻ em bị hen suyễn vẫn có thể tham gia các môn thể thao ở bất kỳ cấp độ thi đấu nào.
Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ em bị hen suyễn đều có các yếu tố nguy cơ có thể nhận biết được. Nói cách khác, ngay cả trẻ em sống ở những khu vực không bị ô nhiễm và cha mẹ không hút thuốc hoặc không bị hen suyễn cũng có thể bị hen suyễn.
TRIỆU CHỨNG NHẬN BIẾT:
Các triệu chứng của bệnh hen suyễn ở trẻ em bao gồm ho và thở khò khè. Ho thường là ho khan và khò khè và thường dễ nhận thấy nhất khi trẻ ngủ và vào sáng sớm. Nó cũng có thể được kích hoạt bởi tập thể dục hoặc tiếp xúc với không khí lạnh. Thở khò khè là âm thanh như tiếng huýt sáo và thường được nghe thấy khi trẻ thở ra. Nó cũng có thể chỉ nghe thấy được bằng ống nghe.
Ho và thở khò khè có xu hướng xuất hiện và biến mất vào ban ngày hoặc ban đêm, tùy thuộc vào mức độ hẹp đường thở trong phổi. Khó thở, tức ngực hoặc nặng ngực, và đau ngực cũng có thể xảy ra.
Các triệu chứng hen suyễn thường phát triển ở trẻ em trước 5 tuổi, mặc dù đôi khi khó chẩn đoán hen suyễn ở trẻ nhũ nhi.
Có tới một phần ba trẻ em dưới 3 tuổi sẽ ho và thở khò khè khi bị cảm lạnh, nhưng nhiều trẻ trong số đó sẽ không bị hen suyễn trong tương lai. Do đó, chẩn đoán thường được xác định khi bệnh nhi tiếp tục bị các cơn tái phát sau khi tròn 3 tuổi. Tiền sử có những đợt bệnh cấp tính có tình trạng tắc nghẽn có thể hồi phục (đáp ứng với thuốc dãn phế quản) hoặc đôi khi các xét nghiệm chuyên khoa giúp xác định chẩn đoán.
Việc điều trị hen suyễn tối ưu ở trẻ em phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm độ tuổi, mức độ nghiêm trọng và tần suất các cơn hen xảy ra và tuân thủ dùng thuốc. Trong hầu hết các trường hợp, thuốc có thể kiểm soát các triệu chứng, cho phép trẻ tham gia đầy đủ vào mọi hoạt động, bao gồm cả thể thao.
CHẨN ĐOÁN HEN SUYỄN:
Chẩn đoán hen suyễn ở trẻ em đòi hỏi phải xem xét cẩn thận tình trạng bệnh hiện tại và tiền sử của trẻ, tiền sử gia đình. Đôi khi cần phải xét nghiệm chuyên khoa để chẩn đoán hen suyễn và loại trừ các nguyên nhân có thể gây ra các triệu chứng khác. Nhiều trẻ bị hen suyễn có tổng trạng và khám hoàn toàn bình thường giữa các đợt cấp ( ngoài cơn).
Xét nghiệm đo chức năng hô hấp : đo lưu lượng và thể tích khí thở ra sau khi trẻ hít một hơi thật sâu rồi thở ra mạnh. Nếu có tắc nghẽn luồng khí, có thể đo lặp lại xét nghiệm sau khi trẻ sử dụng thuốc xịt hoặc xông khí dung (thuốc giãn phế quản) để xác nhận tình trạng tắc nghẽn có thể hồi phục hay không (một đặc điểm của hen suyễn).
Trẻ em < 6 tuổi đôi khi gặp khó khăn khi thực hiện đo chức năng hô hấp. Có thể xem xét đo IOS – dao động xung ký ở trẻ 3-6 tuổi.
Trong một số trường hợp,bác sỹ có thể đề nghị dùng thử thuốc điều trị hen trong vài tháng để xác định chẩn đoán
HEN Ở TUỔI TRƯỞNG THÀNH
Nhiều phụ huynh tự hỏi liệu con mình có "hết" bệnh hen suyễn theo thời gian hay không. Một số trẻ đã thuyên giảm hoàn toàn, nhưng nhiều trẻ vẫn tiếp tục bị hen suyễn và có thể kiểm soát được bằng thuốc phù hợp.
ĐIỀU TRỊ HEN SUYỄN:
Điều trị hen suyễn thành công bao gồm ba thành phần:
● Xác định và tránh các tác nhân gây hen suyễn
● Theo dõi tái khám thường xuyên mỗi 1-3 tháng,đánh giá các triệu chứng của bệnh và chức năng phổi.
● Hiểu được thời điểm và cách sử dụng thuốc cắt cơn hen.
BẢNG KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG HEN ( ACTION PLAN):
Green ( xanh lá cây): có nghĩa là phổi đang hoạt động tốt. Khi không có triệu chứng hoặc được kiểm soát tốt , ngủ ngon, vận động thể thao bình thường – trẻ nên tiếp tục dự phòng thuốc nếu có và tránh các yếu tố khởi phát hen.
Yellow ( vàng): “cẩn trọng”– các triệu chứng hen đang trở nên nặng hơn: ho, khò khè, khó thở, ít vận động hơn, ngú không à cần được dùng thuốc cắt cơn – (xông khí dung / xịt qua buồng đệm), vẫn duy trì thuốc dự phòng mỗi ngày, tránh những yếu tố khởi phát và đến gặp bác sĩ nếu không cải thiện.
Red (đỏ) – “xử lý nhanh”: các triệu chứng hen rất nặng, không cải thiện sau khi trẻ dùng thuốc cắt cơn, không thể hoạt động hằng ngày à đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay, vẫn dùng thuốc cắt cơn trong thời gian di chuyển đến nơi khám.
Triệu chứng nặng cần đi khám ngay :
- Trẻ khó thở và không thể nói chuyện
- Trẻ thở rút lõm lồng ngực
- Môi trẻ tím hay không còn hồng hào như bình thường
-Trẻ mệt và không hoạt động như mọi ngày
Chăm sóc đúng cách và hiểu rõ tình trạng của trẻ sẽ giúp bạn quản lý hen suyễn hiệu quả, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và tự tin tham gia mọi hoạt động.