Chụp MRI Vú là gì?
MRI vú (Magnetic Resonance Imaging of the Breast) là một kỹ thuật hình ảnh tiên tiến sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của mô vú. Phương pháp này không xâm lấn, không sử dụng tia X và mang lại khả năng chẩn đoán vượt trội nhờ độ phân giải cao và hình ảnh ba chiều. MRI vú thường được chỉ định để đánh giá các tổn thương phức tạp hoặc khi cần bổ sung thông tin từ nhũ ảnh hoặc siêu âm.
Khác với các kỹ thuật hình ảnh thông thường, MRI vú đặc biệt hiệu quả trong việc phát hiện những bất thường khó nhận thấy trên các kỹ thuật khác đối với những người có đặc điểm cấu trúc mô vú dày.
Mục đích chụp MRI Vú
MRI vú được thực hiện để:
1. Tầm soát ung thư vú ở nhóm nguy cơ cao: Đặc biệt ở những người mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2.
2. Đánh giá giai đoạn ung thư vú: Xác định kích thước, vị trí và mức độ lan rộng của khối u, cũng như sự liên quan đến các hạch lympho.
3. Theo dõi sau điều trị: Giúp phát hiện tái phát hoặc di căn ở bệnh nhân đã phẫu thuật hoặc xạ trị ung thư vú.
4. Đánh giá tổn thương nghi ngờ: Khi nhũ ảnh hoặc siêu âm không đủ để đưa ra chẩn đoán chính xác.
5. Kiểm tra túi ngực: MRI vú có thể phát hiện tình trạng rách hoặc vỡ túi ngực một cách rõ ràng.
Đối tượng nào cần chụp MRI Vú?
Những trường hợp sau đây thường được chỉ định chụp MRI vú:
1. Người có nguy cơ cao mắc ung thư vú: Những người mang gen đột biến BRCA hoặc tiền sử gia đình bị ung thư vú.
2. Khi nhũ ảnh hoặc siêu âm cho thấy tổn thương không rõ ràng, MRI vú giúp bổ sung thêm 1 số thông tin.
3. Theo dõi sau điều trị ung thư vú: Đánh giá hiệu quả điều trị hoặc phát hiện tái phát.
4. Người có cấu trúc mô vú dày đặc: Khi nhũ ảnh khó phát hiện các khối bất thường.
5. Người cần kiểm tra tình trạng túi ngực: Để đánh giá tình trạng túi độn và mô vú xung quanh.
Ưu điểm của MRI Vú
1. Độ nhạy cao: MRI vú có khả năng phát hiện những tổn thương nhỏ mà các kỹ thuật khác có thể bỏ sót, đặc biệt ở người có mô vú dày.
2. Hình ảnh chi tiết: Cho phép đánh giá rõ ràng cấu trúc mô mềm và mạch máu xung quanh.
3. Không xâm lấn và không dùng tia X: Giảm nguy cơ ảnh hưởng lâu dài từ bức xạ.
4. Hiệu quả trong tầm soát nguy cơ cao: Là phương pháp tốt nhất cho nhóm người mang gen đột biến hoặc tiền sử gia đình nguy cơ cao về ung thư vú.
5. Phát hiện tổn thương không đối xứng: MRI giúp đánh giá đồng thời cả hai bên vú, hỗ trợ phát hiện tổn thương nhỏ ở bên vú không triệu chứng.
Khác biệt cơ bản giữa MRI Vú và Nhũ Ảnh
1. Nguyên lý hoạt động:
Nhũ ảnh sử dụng tia X để tạo hình ảnh hai chiều, hiệu quả trong phát hiện vôi hóa và khối u lớn hoặc khối u có chưa thành phần vôi.
MRI vú sử dụng từ trường và sóng vô tuyến, cho hình ảnh ba chiều.
2. Độ nhạy và độ đặc hiệu:
MRI vú nhạy hơn nhũ ảnh trong phát hiện ung thư đối với những phụ nữ có đặc điểm mô vú dày.
Tuy nhiên, MRI hay nhũ ảnh đều có thể cho kết quả dương tính giả, đòi hỏi thêm sự phối hợp các kỹ thuật khác như siêu âm nhằm mục đích đưa ra kết luận chính xác hơn.
3. Thời điểm sử dụng:
Nhũ ảnh và siêu âm thường dùng trong sàng lọc thường quy.
MRI vú phù hợp cho người có mô vú dày, đánh giá mức độ phức tạp của tổn thương ác tính và trên một số phụ nữ có đặt túi ngực (gây hạn chế đè ép trong quá trình chụp nhũ ảnh).
Khi nào nên chọn MRI Vú thay vì Nhũ Ảnh?
1. Cấu trúc mô vú dày đặc: Khi nhũ ảnh không đủ nhạy để phát hiện tổn thương.
2. Tổn thương nghi ngờ phức tạp: Khi cần bổ sung thông tin từ nhũ ảnh hoặc siêu âm.
3. Đánh giá toàn diện: Trong theo dõi sau điều trị hoặc để lập kế hoạch phẫu thuật/xạ trị.
4. Kiểm tra túi ngực: Đánh giá tình trạng túi mà nhũ ảnh không thể cung cấp đủ thông tin.