Bạn hẳn đã nghe ai đó khuyên tránh ăn da gà, hải sản, lòng tạng… bởi những loại thực phẩm này góp phần tăng nguy cơ gây hại cho tim mạch. Tuy nhiên, Ths-Bs Hoàng Công Đương - Trưởng khoa Tim mạch CarePlus lại không cho rằng như vậy.
06/09/2021 11:37:44 CH
Hãy đọc bài phân tích dưới đây của bác sĩ để tìm hiểu thực hư chuyện “ăn mỡ có làm tăng mỡ máu” không nhé!
MỠ MÁU CÓ LỢI - MỠ MÁU CÓ HẠI
- Cholesterol không hoàn toàn là chất có hại. Nó bao gồm một phần chất béo thiết yếu mà tế bào trong cơ thể chúng ta cần.
- Cholesterol có thể được tạo ra từ gan, hoặc được thu nạp từ thức ăn.
- Cholesterol được vận chuyển trong máu nhờ chất trung gian vận chuyển, đó chính là lipoprotein.
- HDL được xem là “cholesterol tốt”. Lượng HDL cholesterol bị giảm có thể do hút thuốc lá, thừa cân, béo phì,... Do đó, để làm tăng HDL cholesterol, cần bỏ hút thuốc, duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường thể dục thể thao...
- LDL là “cholesterol xấu” - yếu tố gây nên tình trạng vữa xơ động mạch, là nguyên nhân dẫn tới các bệnh lý đe dọa tính mạng như nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. LDL cholesterol có thể tăng do các yếu tố liên quan đến chế độ ăn, các thói quen không tốt như hút thuốc lá, ít vận động, hoặc liên quan tới các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường...
NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
1. Ăn mỡ có gây bệnh mỡ máu không?
Thực phẩm mà chúng ta ăn vào chỉ là nguyên liệu. Trong cơ thể, gan có nhiệm vụ lấy những nguyên liệu này, để chuyển hóa thành nguồn năng lượng cho cơ thể.
Gan cũng chính là nơi lấy các nguyên liệu và tổng hợp thành "mỡ trong máu", cụ thể là cholesterol, triglyceride (và một số chất khác).
Không có chuyện ăn mỡ vào thì mỡ đi thẳng vô máu, gây bệnh mỡ máu.
2. Tại sao có người hầu như không ăn dầu mỡ nào, kiêng khem hoặc ăn chay, nhưng đi khám bệnh thì mỡ trong máu vẫn cao?
Một số người có "cơ địa" đặc biệt, với cùng lượng nguyên liệu từ thực phẩm ăn vào như nhau, gan của họ có khuynh hướng tổng hợp các thành phần mỡ máu như cholesterol nhiều hơn người khác.
Gan cũng có khuynh hướng tăng tổng hợp thành mỡ xấu nhiều hơn bình thường nếu bạn thừa cân béo phì, ít vận động thể dục, hút thuốc lá, hoặc trong một số bệnh lý.
3. Nếu mỡ trong máu là do cơ địa, thì đâu cần tiết chế ăn uống?
Không đúng, chế độ ăn uống vẫn đóng góp một phần vào việc kiểm soát mỡ máu nói riêng và nguy cơ xơ vữa mạch máu nói chung.
Ăn uống thừa calories gây thừa cân béo phì, cũng là một yếu tố nguy cơ tim mạch.
Chế độ ăn uống lành mạnh và cân đối, cùng những biện pháp khác như tập thể dục, có đời sống tinh thần cân bằng, đều góp phần làm giảm mỡ máu đến mức tốt nhất có thể.
4. Nếu muốn phòng tránh xơ vữa mạch máu và bệnh tim mạch thì nên kiêng cữ thứ gì?
Thứ đầu tiên mà bạn phải nhớ kiêng tránh chính là thức ăn nhanh như khoai tây chiên, gà rán, pizza,...; thực phẩm siêu chế biến (ultra processed foods) như xúc xích, phô-mai, bánh kẹo snack, chocolate, mì gói,... và thức uống có đường như nước ngọt, trà sữa...
Đây là các loại thực phẩm đã được chứng minh làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu và bệnh tim mạch.
CÁC LOẠI THỰC PHẨM CHỨA MỠ VÀ CHOLESTEROL
- Mỡ bão hòa (có nhiều trong thịt đỏ, phô-mai, sản phẩm từ sữa) làm tăng cholesterol toàn phần và LDL-cholesterol (tức là cholesterol xấu) trong máu, đây là những yếu tố nguy cơ tim mạch quan trọng
- Mỡ có gốc trans- (có nhiều trong thực phẩm chiên và nướng) làm tăng cholesterol toàn phần và LDL-cholesterol, đồng thời làm giảm cholesterol tốt (là HDL-cholesterol)
- Thay đổi loại mỡ trong chế độ ăn (tức là thay thế mỡ bão hòa bằng mỡ không bão hòa) giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Mỡ không bão hòa có nhiều trong dầu olive, hạt của trái, hạt cây, và dầu cá
- Các loại thực phẩm tự nhiên giàu cholesterol (như trứng, nghêu, sò, ốc, hến, lòng tạng) thật ra ít làm tăng cholesterol máu như ăn thực phẩm chứa mỡ bão hòa.
Bạn quan tâm đến bài viết? Hãy để lại bình luận!
Để được bác sĩ của chúng tôi giải đáp miễn phí những câu hỏi có liên quan đến nội dung bài viết, vui lòng cho chúng tôi biết thắc mắc của bạn là gì? Chúng tôi sẽ gửi câu trả lời trong vòng 24h.
Bài viết được tư vấn bởi THS. BS. Phùng Ngọc Minh Tấn