Khám phụ khoa lần đầu là điều khiến các bạn gái trẻ rất lo lắng vì xung quanh có rất nhiều câu chuyện gây hoang mang như: Khám phụ khoa đau lắm , sẽ gặp bác sĩ nam, .... Vậy khám phụ khoa có đáng sợ như lời đồn? Tham khảo bài viết dưới đây để trang bị kiến thức và chuẩn bị sẵn sàng cho lần đầu tiên khám phụ khoa qua lời khuyên của BS. CK1. Phạm Thị Ngọc Tuyết, Chuyên khoa Sản Phụ Khoa của Phòng khám Quốc tế CarePlus.
12/04/2021 11:16:52 SA
🩺 KHÁM PHỤ KHOA LẦN ĐẦU CÓ ĐAU KHÔNG?
Cảm giác đau tùy thuộc vào chủ quan của mỗi người, nếu giữ cơ thể thả lỏng hoàn toàn thoải mái thì các cơ vùng chậu sẽ mềm mại, thuận tiện cho việc thăm khám bằng mỏ vịt của bác sĩ.
Khi khám, bác sĩ sẽ giúp bạn cảm thấy đỡ căng thẳng bằng cách trò chuyện, giải thích. Mỏ vịt sẽ được đặt nhẹ nhàng với kích cỡ phù hợp tùy độ rộng và kích thước cổ tử cung của từng người. Khi đặt, bác sĩ sẽ định hướng đường đi trong âm đạo sao cho người bệnh không cảm thấy khó chịu.
Việc thực hiện xét nghiệm huyết trắng kiểm tra viêm nhiễm không gây đau.
Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung bao gồm pap’smear và/hoặc HPV chỉ khiến bạn cảm thấy thốn nhẹ, hơi ê, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc thực hiện các xét nghiệm này có thể khiến cổ tử cung chảy máu một ít nhưng không lan ra ngoài nên việc mang băng vệ sinh sau đó là không cần thiết. Lưu ý sau khi thực hiện xét nghiệm, bạn nên kiêng quan hệ khoảng 2-3 ngày để vị trí chảy máu tại cổ tử cung được lành.
Siêu âm đầu dò khi khám phụ khoa nhằm kiểm tra tử cung và buồng trứng có khối u hay không, đây là một kỹ thuật không gây đau đớn nếu thả lỏng vùng cơ mông.
Việc lựa chọn bác sĩ khám phụ khoa lần đầu hiện nay rất dễ dàng, không bị động như thăm khám tại bệnh viện.
🧪 CÓ PHẢI BÁC SĨ LUÔN DÙNG MỎ VỊT ĐỂ KHÁM PHỤ KHOA?
Dùng mỏ vịt để khám phụ khoa là cần thiết cho tất cả trường hợp đã quan hệ tình dục. Vì sẽ không thể quan sát cổ tử cung nếu không dùng dụng cụ trên. Đối với các bạn nữ chưa từng quan hệ tình dục không cần sử dụng mỏ vịt vì nguy cơ ung thư cổ tử cung rất hiếm. Bạn cũng không cần thực hiện siêu âm đầu dò, đa phần bác sĩ chỉ siêu âm đường bụng, những trường hợp khó có thể siêu âm đường trực tràng.
Vậy nên các bạn gái chưa từng quan hệ tình dục nhưng ra huyết trắng nhiều hoặc ngứa thì cần nhanh chóng thực hiện khám phụ khoa. Thay vì dùng mỏ vịt, bác sĩ chỉ khám vùng âm hộ bên ngoài và phết ít huyết trắng để kiểm tra.
📌 LƯU Ý TRƯỚC KHI ĐI KHÁM PHỤ KHOA
Trừ những trường hợp phải đi khám ngay vì bệnh lý như ngứa dữ dội, rong kinh kéo dài, đau bụng… thì hầu hết các trường hợp đến khám đều có kế hoạch trước. Dưới đây là những lưu ý giúp việc thăm khám có kết quả chính xác và tốt nhất:
• Nên đi khám vào thời điểm sạch hẳn kinh ít nhất là 3-4 ngày. Thông thường các chị em hay mắc sai lầm khi không thấy huyết thấm ra băng vệ sinh nữa. Nhưng bên trong âm đạo, gần sát cổ tử cung vẫn còn ít huyết đen sậm. Bác sĩ sẽ không thể thực hiện thăm khám bằng mỏ vịt ngoại trừ siêu âm.
• Hạn chế khám phụ khoa vào lúc đang có dấu hiệu rụng trứng - giai đoạn huyết trắng kéo dài thành sợi. Khi huyết trắng bên trong quá nhiều, việc lấy pap’smear không được thuận tiện. Giai đoạn này nếu có siêu âm kiểm tra thì sẽ cho ra kết quả nang trứng hoặc nang hoàng thể gây ra lo lắng nếu không được giải thích tận tình.
• Không nên khám phụ khoa vào thời điểm cách ngày hành kinh kế tiếp 3 ngày vì việc đánh giá viêm nhiễm sẽ ít chính xác và pap’smear thời điểm này thường gây chảy máu nhiều hơn. Một số trường hợp xuất hiện dịch nâu nhạt trước khi hành kinh nên soi tươi huyết trắng sẽ chứa nhiều tạp trùng và hồng cầu. Đôi khi lượng huyết dù ít nhưng cũng có thể gây khó khăn cho việc đọc kết quả pap’smear.
• Trước khi đi khám phụ khoa, không nên quan hệ tình dục ít nhất 2 ngày.
• Một số chị em có thói quen thụt rửa âm đạo trước thăm khám. Điều này là không nên vì việc này sẽ lấy đi hết hệ vi khuẩn có hại lẫn có lợi khiến cho việc thăm khám và xét nghiệm thiếu chính xác.
• Nếu đang đặt thuốc âm đạo để điều trị thì nên tái khám sau khi ngưng thuốc ít nhất 3 đêm.
• Để việc khám diễn ra nhanh chóng và thuận lợi, bạn nên mặc váy sẵn, hạn chế mang giày cầu kỳ khó cởi.
Bài viết được tư vấn bởi BS. CK1. Phạm Thị Ngọc Tuyết
Bài viết được tư vấn bởi BS. CK1. Phạm Thị Ngọc Tuyết
Bài viết được tư vấn bởi BS. CK1. Phạm Thị Ngọc Tuyết
Bài viết được tư vấn bởi BS. CK1. Phạm Thị Ngọc Tuyết